Chào bạn. Đây là bài viết thứ hai về Bảng Minh Họa Bảo Hiểm Bộ Đôi Tài Sản 2.0 của FWD.
Với chủ đề này, mình sẽ lần lượt phân tích ba phần chính ở trong bảng minh họa sản phẩm. Bao gồm:
- Phần 1: Thông tin chung về sản phẩm bảo hiểm
- Phần 2: Minh họa phân bổ phí bảo hiểm
- Phần 3: Minh họa quyền lợi bảo hiểm
Trong bài hôm nay chúng ta sẽ nói về việc phân bổ phí bảo hiểm. Bạn sẽ biết được công ty làm gì với tiền phí bạn đóng vào:
- Trừ đi khoản nào? Khoản đó có ý nghĩa gì? Số tiền trừ đi mỗi năm là bao nhiêu?…
- Phần tiền còn lại là bao nhiêu? Số tiền cụ thể được chia về mỗi quỹ đơn vị như thế nào?…
Minh họa phân bổ phí bảo hiểm FWD Bộ Đôi Tài Sản 2.0
Đây chính là bảng minh họa phân bổ phí của sản phẩm này. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về từng cột trong đó.
1. Phí bảo hiểm FWD Bộ Đôi Tài Sản 2.0
Lưu ý rằng phần này không bao gồm phí đóng của sản phẩm bổ trợ. Lí do là phí sản phẩm bổ trợ không được tích lũy. Hay chúng ta thường gọi là “phí rơi” đó.
1.1. Phí bảo hiểm cơ bản
Đây là phí cơ bản của sản phẩm chính Bộ Đôi Tài Sản 2.0. Trong ví dụ này, khách hàng A dự định đóng 30 triệu đồng/năm trong 20 năm. Vậy thì…
Có phải đóng phí đủ 20 năm như bảng minh họa?
Bạn không bắt buộc phải đóng phí cả 20 năm hợp đồng.
Bảng minh họa này chỉ thể hiện rằng nếu đóng phí cả 20 năm thì phí mỗi năm sẽ được phân bổ như thế nào. Bạn hoàn toàn có thể đóng ngắn hơn. 15 năm, 12 năm, 10 năm… hay bao nhiêu năm là do bạn. Thậm chí bạn có thể chỉ đóng 1 năm rồi dừng lại.
Tất nhiên, đóng phí ngắn sẽ có ảnh hưởng đến dòng tiền và hiệu lực hợp đồng.
Ngoài ra, nếu bạn muốn đóng dài hơn 20 năm thì cũng được nhé. Vì thời hạn đóng phí bằng thời hạn hợp đồng. Mà thời hạn hợp đồng có thể nhiều hơn 20 năm.
Mình đã nói về thời hạn hợp đồng (hay thời hạn bảo hiểm) ở bài trước. Bạn có thể xem lại nhé.
Có phải đóng đủ 30 triệu đồng/năm trong suốt thời gian đóng phí?
Trong 3 năm hợp đồng đầu tiên, bạn cần đóng đầy đủ phí bảo hiểm cơ bản. Từ năm hợp đồng thứ 4, bạn có thể đóng ít hơn nếu muốn.
Điều này được quy định trong điều khoản hợp đồng như sau:
Đây chính là ưu điểm đóng phí linh hoạt mà có thể bạn đã được đại lý tư vấn.
Nhưng hãy lưu ý rằng, việc đóng phí ít hơn (hoặc không đóng) so với kế hoạch có thể gây ảnh hưởng đến hợp đồng.
Thứ nhất là dòng tiền.
Đóng phí ít hơn tức là phần tiền được đầu tư cũng sẽ ít hơn. Số tiền tích lũy được (hay giá trị quỹ hợp đồng) sau này sẽ ít hơn. Điểm này thì hiển nhiên rồi. Nhưng vấn đề là nó cũng có tác động đến điều tiếp theo.
Thứ hai là hiệu lực hợp đồng.
Bạn chỉ được bảo hiểm khi hợp đồng còn hiệu lực. Mà hợp đồng chỉ còn hiệu lực khi còn tiền trong đó. Công ty sẽ trừ các loại chi phí bảo hiểm từ giá trị quỹ hợp đồng. Khi giá trị quỹ hợp đồng bằng 0 – tức là không đủ trả các chi phí kia – thì hợp đồng mất hiệu lực.
Mà giá trị quỹ hợp đồng lại được hình thành từ phí bạn đóng vào. Nếu bạn đóng phí ít hơn, hoặc không đóng, thì sẽ ảnh hưởng đến giá trị quỹ. Từ đó có thể tiếp tục ảnh hưởng đến hiệu lực hợp đồng.
Do đó, bạn nên cẩn trọng với việc linh hoạt đóng phí. Không phải thích đóng phí thế nào cũng được bảo vệ đâu nhé.
1.2. Khoản đầu tư thêm
Đây là một khoản tiền không bắt buộc phải đóng. Bạn có thể hiểu nó như một cách để bạn thuê công ty đầu tư cho mình.
Kiểu: “Tôi có tiền nhàn rỗi đây. Tôi trả công, còn các ông đầu tư giúp tôi. Lời tôi hưởng, lỗ tôi chịu.” vậy đó.
Với khoản này, bạn có thể đầu tư thêm gần như bất cứ khi nào bạn muốn. Nói gần như vì FWD cũng có thể từ chối khoản đầu tư thêm này. Trong trường hợp đó, họ sẽ có thông báo lí do cho bạn.
Ngoài ra, nhớ rằng số tiền đầu tư thêm mỗi năm không quá 10 lần phí bảo hiểm cơ bản nhé.
2. Phí ban đầu
Phí ban đầu là gì?
Đây là khoản tiền công ty thu để thanh toán các chi phí liên quan để hợp đồng đến tay bạn. Bao gồm: thẩm định hồ sơ, thẩm định sức khỏe, phát hành hợp đồng, hoa hồng cho đại lý và các cấp quản lý…
Trong những năm đầu tiên, hoa hồng thường là khoản chiếm tỷ lệ cao nhất của phí ban đầu.
Phí ban đầu được tính toán như thế nào?
Quy định cụ thể về phí ban đầu được thể hiện trong hình bên dưới.
Mình sẽ lấy ví dụ để bạn hiểu rõ hơn. Ở năm hợp đồng đầu tiên:
Phí bảo hiểm cơ bản là 30.000.000 đồng. -> Phí ban đầu là: 30.000.000 x 85% = 25.500.000 đồng.
Khoản đầu tư thêm là 100.000.000 đồng -> Phí ban đầu là: 100.000.000 x 2% = 2.000.000 đồng.
-> Tổng phí ban đầu năm đầu tiên là: 25.500.000 + 2.000.000 = 27.500.000 đồng.
Trong ví dụ này, khách hàng mới đóng 130 triệu vào thì ngay lập tức bị trừ đi 27.5 triệu cho phí ban đầu.
Nếu nhìn vào 3 năm đầu tiên, bạn sẽ thấy đây là lí do chính khiến số tiền bạn nhận về sẽ rất ít (thậm chí bằng 0) nếu dừng hợp đồng sớm.
Vậy nên, hãy suy nghĩ thật kĩ nếu có ý định đó nhé.
Từ năm thứ 4, công ty không áp dụng phí ban đầu cho phí BH cơ bản nữa. Nhưng nếu bạn có đầu tư thêm thì vẫn mất phí ban đầu cho khoản đóng thêm đó.
Đọc thêm: Dừng hợp đồng FWD nhận về bao nhiêu tiền?
3. Phí bảo hiểm được phân bổ vào từng quỹ
Phần này cho biết phí bảo hiểm được phân bổ vào từng quỹ đơn vị là bao nhiêu. Để hiểu các con số ở mỗi cột được tính toán như thế nào, bạn cần biết hai yếu tố.
- Tỷ lệ đầu tư vào từng quỹ
- Tổng phí bảo hiểm được phân bổ
Tỷ lệ đầu tư vào từng quỹ đơn vị
Trong ví dụ này, khách hàng A đầu tư cụ thể vào từng quỹ đơn vị như sau:
Tỷ lệ này đã được xác định trước. Bạn có thể xem chúng ở trong bảng minh họa hợp đồng.
Tổng phí bảo hiểm được phân bổ
Đây chính phần tiền còn lại từ phí bảo hiểm cơ bản và khoản đầu tư thêm sau khi trừ phí ban đầu. (nó cũng là tổng của 6 cột nhỏ trong bảng)
Tổng phí bảo hiểm được phân bổ = Phí bảo hiểm cơ bản được phân bổ + Khoản đầu tư thêm được phân bổ.
Mình tiếp tục lấy ví dụ ở năm hợp đồng đầu tiên.
Phí bảo hiểm cơ bản được phân bổ = Phí bảo hiểm cơ bản – Phí ban đầu của phí BH cơ bản
-> Phí BH cơ bản được phân bổ năm đầu tiên = 30.000.000 – 25.500.000 = 4.500.000 đồng.
Khoản đầu tư thêm được phân bổ = Khoản đầu tư thêm – Phí ban đầu của khoản đầu tư thêm
-> Khoản đầu tư thêm được phân bổ năm đầu tiên = 100.00.000 – 2.000.000 = 98.000.000 đồng.
-> Tổng phí bảo hiểm được phân bổ năm đầu tiên = 4.500.000 + 98.000.000 = 102.500.000 đồng.
Đến đây, chúng ta chia khoản tiền này vào các quỹ đơn vị theo tỷ lệ đầu tư ở trên.
Phân bổ phí bảo hiểm vào từng quỹ đơn vị
Quỹ Năng Động
Phí BH cơ bản được phân bổ = 4.500.000 đồng x 10% = 450.000 đồng
Khoản đầu tư thêm được phân bổ = 0. (do khách hàng không đầu tư thêm vào quỹ này)
-> Tổng phí bảo hiểm được phân bổ vào Quỹ Năng Động cho năm đầu tiên là: 450.000 đồng.
Các quỹ Tăng Trưởng, Chiến Lược, Cân Bằng, Ổn Định cũng được phân bổ 450 nghìn đồng/quỹ do có cùng tỷ lệ đầu tư.
Quỹ Tích Lũy
Phí BH cơ bản được phân bổ = 4.500.000 đồng x 50% = 2.250.000 đồng
Khoản đầu tư thêm được phân bổ = 98.000.000 x 100% = 98.000.000 đồng
-> Tổng phí bảo hiểm được phân bổ vào Quỹ Tích Lũy cho năm đầu tiên là:
2.250.000 + 98.000.000 = 100.250.000 đồng.
Như vậy là bạn đã hiểu được con số ở các cột này được tính như thế nào rồi đúng không?
4. Phí bảo hiểm rủi ro của sản phẩm chính
Đây là chi phí bạn phải trả để được hưởng các quyền lợi bảo hiểm của sản phẩm Bộ Đôi Tài Sản 2.0. Cụ thể là quyền lợi tử vong và thương tật toàn bộ vĩnh viễn.
Công ty sẽ thu khoản phí này bằng cách khấu trừ hàng tháng từ giá trị quỹ hợp đồng. Hay chính xác hơn là từ tài khoản bảo hiểm của hợp đồng. (khác với phí ban đầu trừ một lần ngay khi đóng phí)
Về mặt công thức, phí rủi ro được tính như sau:
Phí bảo hiểm rủi ro = Tỷ lệ rủi ro x Số tiền bảo hiểm
Phí rủi ro tăng dần vì 2 nguyên nhân:
– Tỷ lệ rủi ro tăng dần.
Tỷ lệ này phụ thuộc vào tuổi, giới tính, nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe của người được bảo hiểm. Nó thường tăng dần theo độ tuổi của người được bảo hiểm. (Càng lớn tuổi, xác suất “ra đi” càng cao cũng là lẽ thường, đúng không?)
– Số tiền bảo hiểm tăng 15% mỗi 3 năm từ năm thứ 4.
Đây là điểm khác biệt của sản phẩm này so với thị trường. Nhưng số tiền bảo hiểm tăng cũng khiến phí rủi ro tăng theo. Từ đó nó làm ảnh hưởng đến phần tiền được tích lũy.
Nếu phí ban đầu chỉ có tác động trong vài năm đầu tiên thì phí rủi ro ảnh hưởng chính đến toàn bộ thời hạn hợp đồng.
Như trong ví dụ này, tổng phí rủi ro của cả 20 năm là ~231 triệu đồng. Tổng phí đóng là 700 triệu đồng. Như vậy phí rủi ro đã chiếm khoảng 33%. Tỷ lệ không nhỏ chút nào phải không?
5. Phí quản lý hợp đồng bảo hiểm FWD Bộ Đôi Tài Sản 2.0
FWD định nghĩa đây là chi phí để “cung cấp dịch vụ quản lý, duy trì và cung cấp các dịch vụ liên quan đến hợp đồng.” Mức phí được quy định theo từng năm hợp đồng như sau:
Ví dụ với năm đầu tiên, phí quản lý HĐ là 42 nghìn/tháng. Phí cả năm là: 42 x 12 = 504 nghìn đồng.
Giống với phí rủi ro, phí quản lý HĐ cũng được trừ hàng tháng từ tài khoản bảo hiểm.
Việc khấu trừ theo tháng này sẽ ảnh hưởng đến cách tính toán dòng tiền của hợp đồng. Mình đã có một file excel để hướng dẫn chi tiết cách tính. Bạn có thể tham khảo ở bài viết sau.
Đọc thêm: File Excel Tính Dòng Tiền Bảo Hiểm FWD BỘ ĐÔI TÀI SẢN 2.0
Tóm tắt Phân bổ phí bảo hiểm FWD Bộ Đôi Tài Sản 2.0
Có ba điểm quan trọng bạn cần nhớ về bảng phân bổ phí này:
- Tiền bạn đóng vào bị trừ đi chi phí và không được đầu tư 100%.
- Phí ban đầu chiếm tỷ lệ lớn trong những năm đầu tiên. Vậy nên nếu dừng hợp đồng sớm thì số tiền nhận về sẽ thấp hơn nhiều so với tổng phí đóng.
- Phí bảo hiểm rủi ro là phí quan trọng nhất. Nó có ảnh hưởng lớn đến cả dòng tiền và quyền lợi bảo hiểm.
Bài tiếp theo – Minh họa quyền lợi bảo hiểm – sẽ giải đáp các câu hỏi:
- Dòng tiền (hay giá trị quỹ hợp đồng) trong bảng minh họa được tính toán như thế nào?
- Số tiền nhận về sau 5, 10, 15 năm… là bao nhiêu?
Hẹn gặp lại bạn ở bài tới.
Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời Linh một ly cà phê nhé!