[Review] Có nên mua bảo hiểm nhân thọ Điểm Tựa Đầu Tư – Manulife?

Trong tất cả các sản phẩm bảo hiểm của Manulife, Điểm tựa đầu tư đang là sản phẩm có khả năng tích lũy tốt nhất. Dù vậy “Có nên mua bảo hiểm Điểm tựa đầu tư Manulife?” vẫn là một thắc mắc mà nhiều khách hàng băn khoăn.

Bài viết này sẽ phân tích chi tiết về sản phẩm này để giúp bạn trả lời được câu hỏi trên.

Tổng quan sản phẩm

Chúng ta sẽ lần lượt đi chi tiết hơn về 2 chức năng chính của sản phẩm này: Bảo vệTích lũy.

Quyền lợi Bảo vệ

Với sản phẩm này, bạn có thể lựa chọn một trong hai Kế hoạch bảo hiểm sau:

  • Kế hoạch BH cơ bản: nhận Giá trị tài khoản (GTTK) đóng thêm + Số lớn hơn giữa GTTK cơ bảnSố tiền bảo hiểm (STBH)
  • Kế hoạch BH nâng cao: nhận tổng GTTK (cơ bản và đóng thêm) + STBH

Quyền lợi BH chính của ĐTĐT là bồi thường trong trường hợp tử vong. Sản phẩm này không gắn kèm các quyền lợi như tai nạn, bệnh hiểm nghèo, trợ cấp y tế… Đây là một điểm khác so với các sản phẩm thuộc dòng UL (Hành trình hạnh phúc 2019).

Tuy nhiên đó không hẳn là bất lợi của sản phẩm này. Lí do là vì bạn vẫn có thể mua thêm các sản phẩm bổ trợ để gia tăng quyền lợi bảo hiểm. Ngoài ra, việc không gắn quyền lợi kèm theo cũng giúp tách bạch phần phí rủi ro bị khấu trừ. Qua đó, giúp phát huy điểm mạnh của ĐTĐT là khả năng đầu tư sinh lời.

Quyền lợi Tích lũy

Trước khi xem xét về khả năng sinh lời của ĐTĐT, bạn cần hiểu được sản phẩm này hoạt động như thế nào.

1. Cơ chế hoạt động

Cơ chế hoạt động sản phẩm Điểm tựa đầu tư – Manulife

1.1. Phí BH đóng vào

Gồm 2 loại: Phí cơ bản (bắt buộc) và Phí đóng thêm (không bắt buộc).

Như vậy, nếu bạn không đầu tư thêm (phí đóng thêm) thì phí BH đóng vào chính là Phí cơ bản.

1.2. Phí ban đầu

Phí BH đóng vào sẽ ngay lập tức bị trừ đi Phí ban đầu, trước khi được phân bổ vào tài khoản HĐ.

Tỷ lệ phí ban đầu như sau:

Ví dụ: Năm đầu tiên, bạn đóng vào 20tr. (10tr cho mỗi tài khoản Cơ bản và Đóng thêm). Phí ban đầu bị khấu trừ tương ứng sẽ là:

  • Phí ban đầu cho TK cơ bản: 10tr x 65% = 6.5tr

-> Số tiền thực tế được phân bổ vào TK cơ bản là: 10 – 6.5 = 3.5tr.

  • Phí ban đầu cho TK đóng thêm: 10tr x 2% = 0.2tr

-> Số tiền thực tế được phân bổ vào TK đóng thêm là: 10 – 0.2 = 9.8tr

=> Tổng số tiền thực tế được phân bổ vào TK là: 3.5 + 9.8 = 13.3tr. (Không phải là cả 20tr như một số khách hàng vẫn nghĩ).

Với cách tính tương tự, bạn có thể tính được phí ban đầu bị khấu trừ các năm tiếp theo.

Sau đó, tiền sẽ được phân bổ về hai tài khoản tương ứng.

1.3. Tài khoản Cơ bản và Tài khoản đóng thêm

Tiền ở hai tài khoản này sẽ được dùng để mua các đơn vị quỹ. Bạn là người quyết định mua đơn vị quỹ của quỹ nào. (Trong thực tế, việc chọn quỹ xảy ra ngay ở bước đại lý thiết kế bảng minh họa bảo hiểm).

Điểm tựa đầu tư có 06 quỹ để bạn lựa chọn:

6 quỹ liên kết đơn vị Manulife

Đây là điểm khác so với Hành trình hạnh phúc hay Gia đình tôi yêu (thuộc dòng BH liên kết chung UL). Các sản phẩm UL chỉ có duy nhất một quỹ: Quỹ liên kết chung. Kết quả đầu tư của Quỹ LCK sẽ quyết định mức lãi bạn được nhận.

Với ĐTĐT, bạn có thể phân bổ tiền vào một hoặc kết hợp nhiều quỹ đơn vị. Sự thay đổi giá đơn vị của mỗi quỹ bạn chọn chính là lãi suất đầu tư thực tế.

(Kết quả đầu tư thực tế sẽ được phân tích kỹ hơn ở phần sau).

1.4. Các chi phí khác

Ngoài Phí ban đầu, bạn sẽ phải trả một số loại phí khác để duy trì hiệu lực HĐ:

  • Phí quản lý hợp đồng
  • Phí bảo hiểm rủi ro

Hai loại phí này sẽ bị khấu trừ hàng tháng bằng cách bán đi số lượng đơn vị quỹ tương ứng.

  • Chi phí chuyển đổi quỹ
  • Phí chấm dứt hợp đồng
  • Phí rút một phần từ GTTK cơ bản

Ba loại phí trên chỉ bị khấu trừ khi bạn thực hiện việc chuyển đổi quỹ, chấm dứt hợp đồng hoặc rút tiền.

1.5. Các khoản thưởng

Có hai khoản thưởng chính:

  • Quyền lợi duy trì HĐ định kỳ: mỗi 3 năm từ năm HĐ thứ 3 đến 18
  • Quyền lợi duy trì HĐ đặc biệt: Cuối năm HĐ thứ 10 và Cuối năm HĐ thứ 20

Nói thì dài dòng, nhưng bạn hãy nhớ 3 điểm quan trọng nhất về cơ chế hoạt động của ĐTĐT:

  1. Đầu vào: Phí BH đóng vàoCác khoản thưởng
  2. Đầu ra: Phí ban đầu (trừ trước khi phân bổ) và Các loại phí khác (khấu trừ bằng cách bán đơn vị quỹ)
  3. 06 quỹ đơn vị để bạn chọn. Sự tăng/giảm giá đơn vị của mỗi quỹ chính là lãi suất thực tế bạn nhận được.

Tiếp theo chúng ta sẽ cùng xem kết quả đầu tư thực tế của các quỹ.

2. Kết quả đầu tư thực tế

Kết quả đầu tư

Manulife ra mắt dòng BH liên kết đơn vị (ILP) từ tháng 6/2008 với sản phẩm Maxx – Phúc Lộc Thịnh Vượng. Tại thời điểm này, công ty có 3 quỹ đơn vị: Tăng trưởng, Phát triển, Cân bằng. (Điểm tựa đầu tư là sản phẩm ra mắt sau này.)

Từ năm 2017, Manulife mở thêm 3 quỹ: Ổn định, Tích lũy, Bảo toàn.

Kết quả đầu tư thực tế của 6 quỹ như sau:

Tỷ suất đầu tư thực tế quỹ Manulife (2009-2019)

Bảng trên cho thấy tỷ suất đầu tư thực tế của mỗi quỹ thay đổi (tăng giảm) theo từng năm và hoàn toàn không biết trước. Vậy nên sẽ không bao giờ có câu trả lời chính xác cho câu hỏi “Tôi đóng phí 10-15 năm thì sẽ nhận về bao nhiêu tiền?”.

(Trong bảng minh họa quyền lợi bạn nhận được từ đại lý, các mức lãi suất thấp-trung bình-cao chỉ mang tính tham khảo. Do đó, số tiền hiển thị trong đó không phải là con số bạn chắc chắn được nhận sau này.)

Giá đơn vị quỹ

Để hiểu rõ hơn về cách tính và xu hướng lãi suất, hãy cùng xem giá đơn vị của mỗi quỹ thay đổi như thế nào từ 2009-2019.

Giá đơn vị quỹ Manulife 2009-2019

Có thể thấy, dù có những năm giá đơn vị quỹ giảm (hay tỷ suất đầu tư giảm), nhưng nhìn chung xu hướng vẫn là tăng trong hơn 10 năm qua.

Cách tính tỷ suất đầu tư thực tế khá đơn giản. Giả sử bạn tham gia BH liên kết đơn vị của Manulife (Quỹ Tăng trưởng) vào cuối năm 2016 (giá đơn vị quỹ 16,895 đồng/đơn vị). Tỷ suất đầu tư vào cuối năm 2017 (giá 24,619 đồng/đơn vị) là:

(24,619 – 16,895)/16,895 x 100% = 45.7%/năm

Đây là một mức lãi suất mà không một sản phẩm BH nào khác của Manulife có thể đạt được.

Tiếp theo chúng ta cùng tìm hiểu kỹ hơn về từng quỹ đơn vị của Manulife.

2.1. Quỹ Tăng trưởng

Mục tiêu: Mang lại các cơ hội đầu tư với sự tăng trưởng vốn trong dài hạn cho các nhà đầu tư

– Danh mục đầu tư

Danh mục đầu tư Quỹ Tăng trưởng – Điểm tựa đầu tư Manulife
  • Cổ phiếu chiếm tỷ lệ 85-90% danh mục (cao hơn mức cam kết tối thiểu 70%)
  • Giá trị danh mục tăng hơn 2 lần sau 6 năm. Đây là quỹ có giá trị cao nhất (~450 tỷ năm 2019) trong 6 quỹ.

– Kết quả đầu tư

Giá đơn vị Quỹ Tăng trưởng – Điểm tựa đầu tư Manulife
  • Nhìn chung, Quỹ Tăng trưởng hoạt động có lời qua hơn 10 năm (lợi nhuận trung bình 13.1%/năm)
  • Kết quả đầu tư chịu ảnh hưởng rõ rệt từ sự biến động của thị trường chứng khoán (do Quỹ Tăng trưởng đầu tư chủ yếu vào cổ phiếu). Bạn có thể nhận được mức lãi 45.7%/năm, nhưng cũng có thể lỗ đến 20%/năm. (Rất nhiều đại lý chỉ quảng cáo về mức lãi suất cao ngất trong quá khứ, mà lờ đi các năm thua lỗ).
  • Giá đơn vị quỹ trên đây được tính tại thời điểm cuối năm. Trong thực tế, giá đơn vị trong năm có khá nhiều biến động (tăng giảm do định giá liên tục định kỳ). Vậy nên kết quả đầu tư trên đây có thể không áp dụng cho tất cả các khách hàng. Chẳng hạn, bạn có thể chốt lời hoặc chuyển đổi quỹ khác khi dự đoán được giá đơn vị Quỹ Tăng trưởng giảm.
  • Quỹ Tăng trưởng định hướng khách hàng đầu tư dài hạn. Tuy nhiên nếu có đủ kiến thức và kinh nghiệm (hoặc một tư vấn đủ tốt) bạn hoàn toàn có thể kiếm lời trong ngắn hạn.

2.2. Quỹ Phát triển

Mục tiêu: Mang lại các cơ hội đầu tư với sự tăng trưởng vốn trong thời hạn đầu tư trung đến dài hạn.

– Danh mục đầu tư

Danh mục đầu tư Quỹ Phát triển – Điểm tựa đầu tư Manulife
  • Cổ phiếu chiếm xấp xỉ 70% danh mục. Tiếp theo là trái phiếu (10-20%) và các chứng chỉ tiền gửi (10-15%).
  • Giá trị danh mục đầu tư của Quỹ Phát triển tăng 2.5 lần sau 6 năm.

– Kết quả đầu tư

Giá đơn vị Quỹ Phát triển – Điểm tựa đầu tư Manulife
  • Mức lãi và lỗ nhiều nhất đều thấp hơn tương ứng so với Quỹ Tăng trưởng, do Quỹ Phát triển đầu tư ít hơn về cổ phiếu và nhiều hơn về các kênh an toàn (trái phiếu, tiền gửi).
  • Giá các đơn vị quỹ trên đây là giá cuối năm. Bạn hoàn toàn có thể đạt được các kết quả đầu tư tốt hơn nếu biết tận dụng sự biến động giá đơn vị quỹ trong mỗi năm.
  • Quỹ Phát triển định hướng khách hàng đầu tư trung và dài hạn. Nhưng nếu có đủ kiến thức và kinh nghiệm (hoặc một tư vấn đủ tốt) bạn hoàn toàn có thể kiếm lời trong ngắn hạn.

2.3. Quỹ Cân bằng

Mục tiêu: Mang lại các cơ hội đầu tư với sự bảo toàn và phát triển vốn ở mức trung bình.

– Danh mục đầu tư

Danh mục đầu tư Quỹ Cân bằng – Điểm tựa đầu tư Manulife
  • Cổ phiếu chiếm 45-60% danh mục. Tiếp theo là trái phiếu (20-40%) và các chứng chỉ tiền gửi (10-25%).
  • Giá trị danh mục đầu tư của Quỹ Cân bằng tăng hơn 2 lần sau 6 năm.

– Kết quả đầu tư

Giá đơn vị Quỹ Cân bằng – Điểm tựa đầu tư Manulife
  • Sự cân bằng về tỷ lệ trong danh mục đầu tư giữa cổ phiếu (rủi ro hơn) và các kênh an toàn (trái phiếu, tiền gửi) giúp Quỹ tránh được mức lỗ lớn. Tuy nhiên, nó đồng thời cũng khiến mức lãi nhận được không hấp dẫn như hai Quỹ trên.
  • Giá các đơn vị quỹ trên đây là giá cuối năm. Bạn hoàn toàn có thể đạt được các kết quả đầu tư tốt hơn nếu biết tận dụng sự biến động giá đơn vị quỹ trong mỗi năm.

2.4. Quỹ Ổn định

Mục tiêu: Được thiết kế dành cho những người có khuynh hướng đầu tư dài hạn với độ rủi ro trung bình thấp và chấp nhận những dao động nhỏ về giá trị của các khoản mục đầu tư.

– Danh mục đầu tư

Danh mục đầu tư Quỹ Ổn định – Điểm tựa đầu tư Manulife
  • Cổ phiếu chiếm 20% danh mục. Tiếp theo là trái phiếu (40%) và các chứng chỉ tiền gửi (35%).
  • Giá trị danh mục đầu tư của Quỹ Ổn định tăng hơn 2 lần sau 3 năm. (Quỹ thành lập năm 2017)

– Kết quả đầu tư

Giá đơn vị Quỹ Ổn định – Điểm tựa đầu tư Manulife
  • Tỷ suất đầu tư không quá hấp dẫn do Quỹ đầu tư chủ yếu vào các kênh an toàn (trái phiếu, tiền gửi)
  • Thời gian đầu tư ngắn (do mới thành lập) chưa đủ để đánh giá hết khả năng đầu tư của Quỹ.

2.5. Quỹ Tích lũy

Mục tiêu: Mang lại các cơ hội đầu tư ổn định với độ rủi ro thấp thông qua lợi thế của quỹ để đầu tư vào các trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ và các công cụ lợi suất cố định khác.

– Danh mục đầu tư

Danh mục đầu tư Quỹ Tích lũy – Điểm tựa đầu tư Manulife
  • Quỹ không đầu tư vào cổ phiếu, mà chủ yếu là trái phiếu (50-60%) và các chứng chỉ tiền gửi (40-45%).
  • Giá trị danh mục đầu tư của Quỹ Tích lũy tăng 1.25 lần sau 3 năm. (Quỹ thành lập năm 2017)

– Kết quả đầu tư

Giá đơn vị Quỹ Tích lũy – Điểm tựa đầu tư Manulife

Tỷ suất đầu tư không quá hấp dẫn do Quỹ chỉ đầu tư vào các kênh an toàn (trái phiếu, tiền gửi). Điều này nghĩa là mức lãi bạn có thể nhận được sẽ bị giới hạn bởi mức lãi suất cho trước của trái phiếu và tiền gửi.

2.6. Quỹ Bảo toàn

Mục tiêu: Quỹ có mức rủi ro thấp và là sự lựa chọn tạm thời cho những nhà đầu tư trước khi quyết định đầu tư vào quỹ khác.

– Danh mục đầu tư

Danh mục đầu tư Quỹ Bảo toàn – Điểm tựa đầu tư Manulife
  • Quỹ không đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu, mà chỉ có tiền mặt và chứng chỉ tiền gửi.
  • Giá trị danh mục đầu tư của Quỹ Bảo toàn tăng 2 lần sau 3 năm.

– Kết quả đầu tư

Giá đơn vị Quỹ Bảo toàn- Điểm tựa đầu tư Manulife
  • Tỷ suất đầu tư không hấp dẫn do Quỹ…không đầu tư (chỉ có tiền gửi và tiền mặt). Điều này nghĩa là mức lãi bạn có thể nhận được sẽ bị giới hạn bởi lãi suất tiền gửi biết trước.
  • Đúng như mục tiêu, quỹ chỉ phù hợp làm trạm trung chuyển trước khi bạn đầu tư vào các quỹ khác có khả năng sinh lời tốt hơn.

3. Nếu công ty (Quỹ liên kết đơn vị) đầu tư thua lỗ thì sao?

Khác với Hành trình hạnh phúc, Điểm tựa đầu tư không có lãi suất cam kết. Vậy nên, nếu kết quả đầu tư không tốt, bạn cũng sẽ phải chấp nhận.

Hãy luôn nhớ rằng: “Khách hàng được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư và chịu mọi rủi ro trong đầu tư.”

Tuy nhiên có những lí do để việc công ty đầu tư thua lỗ liên tục rất khó xảy ra.

  • Thua lỗ liên tục sẽ khiến Manulife mất nguồn thu từ khách hàng tham gia bảo hiểm mới. Công ty quản lý Quỹ Manulife Việt Nam có những chuyên gia hàng đầu luôn cố gắng để giúp KH và Manulife (và chính họ) đạt được lợi nhuận kỳ vọng.
  • Với cổ phiếu, Công ty quản lý quỹ Manulife chủ yếu đầu tư vào các công ty thuộc nhóm VN30 (nhóm các công ty tốt nhất thị trường). Điều này góp phần làm giảm rủi ro thua lỗ cho danh mục đầu tư của Quỹ.
  • Các điều kiện của Bộ Tài chính (thông tư 135/2012/TT-BTC) về cơ cấu danh mục đầu tư của mỗi Quỹ Liên kết Đơn vị:
    • Mỗi Quỹ Liên kết Đơn vị không được đầu tư vào quá 10% tổng giá trị chứng khoán đang lưu hành của một tổ chức phát hành, trừ trái phiếu Chính phủ;
    • Mỗi Quỹ Liên kết Đơn vị không được đầu tư vượt quá 20% tổng giá trị tài sản của quỹ vào chứng khoán đang lưu hành của một tổ chức phát hành, trừ trái phiếu Chính phủ;
    • Tài sản của Quỹ Liên kết Đơn vị không được đầu tư trực tiếp vào bất động sản, vàng, bạc, kim loại quý, đá quý;
    • Mỗi Quỹ Liên kết Đơn vị không được đầu tư quá 30% tổng giá trị tài sản của quỹ vào các công ty trong cùng một tập đoàn hay một nhóm công ty có quan hệ sở hữu lẫn nhau;
    • Công ty không được đầu tư vào các quỹ đầu tư chứng khoán, cổ phiếu của các công ty đầu tư chứng khoán thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

Tóm lại, nếu các lí do trên cùng với lịch sử đầu tư các quỹ của Manulife không giúp bạn yên tâm hơn thì có lẽ bảo hiểm Điểm tựa đầu tư không dành cho bạn.

Đánh giá gói bảo hiểm Điểm tựa đầu tư

Ưu điểm

  • Điểm tựa đầu tư có thể mang lại lợi nhuận cao hơn lãi ngân hàng và có mức rủi ro thấp hơn so với việc đầu tư chứng khoán trực tiếp.
  • Bạn có thể thực hiện việc mua/bán đơn vị quỹ bất cứ lúc nào. Điều này có nghĩa là khi bạn muốn mua đơn vị quỹ, công ty sẽ phải bán và ngược lại, khi bạn muốn bán (chốt lời, cắt lỗ), công ty sẽ phải mua. Khác với trên thị trường chứng khoán, bạn chỉ có thể mua/bán cổ phiếu nếu có lệnh “khớp” bán/mua tương ứng.

Nhược điểm

  • Kết quả đầu tư của Quỹ có ảnh hưởng đến các quyền lợi bảo hiểm. Cụ thể là khi giá trị tài khoản bằng 0 (không đủ bù đắp các chi phí), hợp đồng sẽ mất hiệu lực. Bạn sẽ không còn được bảo vệ cả sản phẩm chính và bổ trợ. Đây là một rủi ro quan trọng mà bạn CẦN phải biết!
  • Bạn không biết chắc chắn số tiền mình sẽ nhận được khi dừng hợp đồng (tại bất kỳ thời điểm nào). Điểm tựa đầu tư KHÔNG phải kiểu HĐ mua xong, cất trong két sắt và mặc định mỗi năm nhận lãi suất 20%/năm. Bạn sẽ cần phải dành sự quan tâm đến hợp đồng thường xuyên để đảm bảo kết quả đầu tư của Quỹ vẫn đạt được kế hoạch tích lũy của bạn.

Có nên mua bảo hiểm Điểm tựa đầu tư – Manulife?

Hãy trả lời các câu hỏi sau:

1. Sản phẩm này có đáp ứng được nhu cầu Bảo vệ của bạn không?

Quyền lợi chính của Điểm tựa đầu tư là bồi thường rủi ro tử vong. Tuy nhiên hãy nhớ rằng bạn luôn có thể mua thêm các quyền lợi bổ trợ để được bồi thường khi nằm viện, tai nạn, bệnh hiểm nghèo…

2. Bạn có nhu cầu Tích lũy bằng BHNT không? Nếu có, tỷ suất đầu tư các quỹ đơn vị Manulife có đáp ứng kỳ vọng của bạn?

Nếu muốn tích lũy bằng ĐTĐT, bạn cần có điểm tham chiếu để đánh giá mức độ hiệu quả đầu tư.

Đơn giản nhất là so với lãi suất ngân hàng. Kết quả đầu tư của các Quỹ trong quá khứ cho thấy bạn hoàn toàn có thể đạt được mức lợi nhuận cao hơn lãi ngân hàng. Nhưng hãy luôn nhớ rằng điều này là không đảm bảo!

3. Có lựa chọn nào tốt hơn không?

Điểm tựa đầu tư không phải là sản phẩm phù hợp với tất cả mọi người. Có người muốn được bảo vệ nhiều hơn, trong khi người khác lại muốn được tích lũy cao hơn. Có người đơn giản là không đủ tiền/không muốn mua cả gói BH nhân thọ.

Nếu bạn là một trong số đó, thì đây…

Các lựa chọn khác

Bảo hiểm sức khỏe mua rời

Nếu nhu cầu của bạn chỉ là nằm viện (do ốm đau, tai nạn…) được bồi thường thì mua bảo hiểm Điểm tựa đầu tư là mua một sự phức tạp không cần thiết. Thay vào đó, hãy mua một gói BHSK mua rời của VBI, Bảo Việt, PVI…

Ưu điểm

  • BHSK chi trả chi phí cho các trường hợp thiết thực và phổ biến nhất: khám, chữa bệnh, phẫu thuật do tai nạn, ốm đau. Một số gói BHSK còn gắn luôn cả bảo hiểm sinh mạng.
  • Phí BHSK mua rời rẻ hơn rất nhiều so với một gói ĐTĐT

Chọn khi nào?

  • Khi bạn chỉ quan tâm đến việc khám, chữa bệnh được bồi thường. Mua cả hợp đồng BHNT chỉ vì chiếc thẻ chăm sóc sức khỏe có vẻ không được hợp lý lắm.
  • Khi bạn không/chưa đủ tiền cho cả gói BHNT.
  • Bạn không muốn tích lũy bằng BHNT.

Bảo hiểm nhân thọ có kỳ hạn (Term)

Ưu điểm

Phí bảo hiểm rẻ hơn từ 4-7 lần so với BH liên kết chung. Do bạn chỉ phải trả đúng chi phí để được bảo hiểm – không hơn, không kém.

Chọn khi nào?

  • Khi bạn chỉ muốn được bảo vệ thuần túy. Trong thời hạn hợp đồng (thường từ 5-30 năm), nếu có rủi ro, công ty bảo hiểm sẽ bồi thường. Hết thời hạn hợp đồng và bạn vẫn sống khỏe thì chia tay hết trách nhiệm.
  • Khi bạn nói không với tích lũy bằng bảo hiểm. Hay bạn có khả năng tự đầu tư hoặc tự kinh doanh để mang lại lợi nhuận nhiều hơn. Hãy tưởng tượng bạn có thể làm gì với số tiền chênh lệch có thể lên đến cả tỷ đồng trong suốt thời hạn hợp đồng như trong bức ảnh trên.

Tóm lại, với Term, bạn đạt được nhu cầu bảo vệ với chi phí thấp nhất và được tích lũy/đầu tư (số tiền chênh lệch) theo cách của riêng mình.

Sản phẩm Bảo hiểm liên kết đơn vị ILP khác

Trong số 6 công ty có BH liên kết đơn vị ILP (tại thời điểm viết bài), Pru-Đầu tư linh hoạt của Prudential là sản phẩm có khả năng đầu tư sinh lợi thuộc hàng tốt nhất.

Tỷ suất đầu tư Bảo hiểm Pru-Đầu tư linh hoạt

Pru-Đầu tư linh hoạt có những đặc điểm tương tự Điểm tựa đầu tư. Điểm khác biệt nằm ở tỷ lệ phân bổ trong danh mục đầu tư của các Quỹ. Tỷ lệ đầu tư vào cổ phiếu của Prudential cao hơn so với các quỹ tương ứng của Manulife. Điều này làm tăng rủi ro, nhưng đồng thời làm tăng khả năng sinh lời cho khách hàng.

Tạm kết

Hy vọng với tất cả những phân tích trên, bạn đã tự trả lời được câu hỏi “Có nên mua bảo hiểm Điểm tựa đầu tư Manulife?”.

Nếu bạn muốn được tư vấn thêm , hãy inbox messenger hoặc liên hệ tới 0886.17.11.15 / 0969.45.54.64 (Zalo). Bạn cũng có thể điền form đăng ký tư vấn bên dưới để được hỗ trợ sớm nhất nhé.

Đăng ký tư vấn bảo hiểm nhân thọ

Đăng ký tư vấn bảo hiểm nhân thọ

>> Xem thêm: Pru-Đầu tư linh hoạt – Lãi suất bảo hiểm cao hơn ngân hàng?

>> Xem thêm: 3 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có lãi suất cao hơn ngân hàng

Leave a Comment