Tại sao công ty BH không khám sức khỏe trước khi phát hành HĐ BHNT?

Vấn đề khám hay không khám sức khỏe trước khi tham gia BHNT là một trong những băn khoăn của rất nhiều khách hàng (KH) trước khi quyết định “xuống tiền”. Nỗi lo không được bồi thường vì lí do sức khỏe khiến nhiều KH trì hoãn tham gia vì sợ “bị lừa”.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tại sao doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) lại không cho tất cả các KH đi kiểm tra sức khỏe trước khi ký HĐ.

1. Nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên:

DNBH không có nghĩa vụ đưa KH đi khám để tìm ra bệnh

Một số KH có suy nghĩ (sai lầm) rằng DNBH có trách nhiệm tìm ra bệnh của KH để đánh giá rủi ro (bằng việc đưa KH đi khám) trước khi phát hành HĐ. Tuy nhiên, thực tế DNBH không có chức năng và nghĩa vụ tìm ra bệnh tiềm ẩn của KH.

Thông thường, DNBH sẽ đề nghị KH đi khám khi thông tin kê khai trong hồ sơ không rõ ràng hoặc chưa đầy đủ để DNBH đưa ra quyết định BH (chấp thuận, chấp thuận có điều kiện, hoãn hay từ chối). Việc này giúp DNBH có đầy đủ cơ sở để đánh giá đúng rủi ro của KH hơn.

KH có nghĩa vụ kê khai trung thực (Điều 18, khoản 2b Luật Kinh doanh bảo hiểm)

HĐBH hình thành dựa trên sự tin tưởng việc tuân thủ các điều khoản của hai bên. DNBH tin tưởng KH tuân thủ nghĩa vụ kê khai trung thực và đóng phí đầy đủ; KH tin tưởng DNBH tuân thủ nghĩa vụ chi trả như cam kết khi có sự kiện BH xảy ra.

Vậy nên khi KH tích “Không” tất cả các mục trong bảng câu hỏi khảo sát thông tin về lối sống và sức khỏe, tức là đã xác nhận sức khỏe hoàn toàn bình thường. Đối với DNBH, KH này đáp ứng điều kiện chuẩn để tham gia BH và việc đưa KH đi khám là điều không cần thiết.

Nhiều KH nhầm lẫn rằng bằng việc phát hành HĐBH của DNBH (dựa trên thông tin trong HSYCBH) nghĩa là DNBH chắc chắn sẽ chi trả quyền lợi BH nên cố tình không kê khai tình trạng bệnh tồn tại trước. Không phải vậy. Ở đây DNBH đồng ý bảo vệ vì tin tưởng rằng KH đã thực hiện đúng cam kết, nghĩa vụ kê khai trung thực của mình.

Việc cố tình kê khai sai, được hiểu là một “hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm”. Điều này sẽ khiến HĐBH vô hiệu ngay tại thời điểm bắt đầu. Tất nhiên KH cũng sẽ không được chi trả quyền lợi BH nếu rủi ro xảy ra. (Điều 22, khoản 1d Luật KDBH)

“Tôi muốn khai đầy đủ nhưng không còn nhớ chính xác những lần đi khám trước đây, hoặc hồ sơ khám bệnh đã bị thất lạc thì làm thế nào?” -> tham khảo bài viết này.

2. Khám sức khỏe là chi phí

Như đã nói ở trên, trong một số trường hợp, thông tin kê khai của KH không đủ, hoặc chưa rõ ràng khiến DNBH chưa thể đánh giá đúng mức độ rủi ro của KH.

Khi này KH sẽ được đề nghị đi khám sức khỏe tại cơ sở y tế do DNBH chỉ định. Ở đó KH chỉ khám những hạng mục mà DNBH cần xác nhận thêm thông tin (không phải khám để tìm ra bệnh).

Do yêu cầu khám sức khỏe là của DNBH nên chi phí khám sức khỏe sẽ do DNBH chi trả. Chi phí này sẽ làm giảm lợi nhuận của DNBH. Vậy nên dễ hiểu khi DNBH không đưa tất các KH đi khám, đặc biệt là những KH đáp ứng điều kiện chuẩn để tham gia BH. Hay đó chính là những người tích “Không” tất cả các câu hỏi bảng khảo sát.

(Trong một số trường hợp đặc biệt, DNBH sẽ yêu cầu KH tự đi khám – tự trả chi phí – và bổ sung kết quả khám vào HSYCBH. Ví dụ: bệnh liên quan đến dạ dày cần phải nội soi. DNBH thường không yêu cầu KH đi nội soi dạ dày vì lo ngại rủi ro xảy ra trong quá trình khám)

Tóm lại, mục đích khám sức khỏe không phải để phát hiện ra bệnh tiềm ẩn trong cơ thể KH. Việc này nhằm xác nhận lại các thông tin chưa rõ ràng để ra quyết định bảo hiểm phù hợp. Vì vậy, dù DNBH có yêu cầu khám hay không, KH hãy tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách kê khai đầy đủ thông tin, đặc biệt liên quan đến tình trạng bệnh, để không bị từ chối chi trả sau này.  

Leave a Comment