Bảng Minh Họa Bảo Hiểm Đầu Tư Linh Hoạt Prudential: Đọc Là Hiểu (Phần 2)

Hôm nay chúng ta sẽ nói về bảng minh họa Phân bổ phí bảo hiểm Đầu Tư Linh Hoạt.

Đây là bài thứ hai trong chuỗi 4 bài về chủ đề đọc hiểu bảng minh hoạt của sản phẩm này. Tất cả các bài đều dựa trên các phần chính có trong BMH. Bao gồm:

(Để đọc phần nào, bạn chỉ cần click vào chính phần đó. Nếu click vào mà không được thì tức là bài đó chưa được đăng. Bạn ráng đợi nhé. Mình sẽ cập nhật ngay khi có thể.)

Dành cho bạn nào chưa đọc, bài đầu tiên về Thông tin chung về hợp đồng bảo hiểm đã giải đáp một vài thắc mắc phổ biến:

  • Tại sao thời hạn hợp đồng dài đến 50-60 năm? Có phải theo đến hết thời hạn đó không?…
  • Tại sao thời hạn đóng phí cũng dài đến 50-60 năm? Đóng ngắn hơn có được sao không?…
  • Bảo hiểm bổ trợ nhóm 1 với nhóm 2 là gì? Có gì khác nhau?…

Nếu bạn cũng có cùng các câu hỏi đó, hãy đọc lại bài để hiểu rõ hơn nhé.

Trong bài thứ hai về bảng minh họa Phân bổ phí bảo hiểm này, bạn sẽ hiểu được:

  • Tiền phí bạn đóng vào được sử dụng như thế nào?
  • Các loại phí có trong bảng khác nhau thế nào? Chúng có ý nghĩa gì?

Chắc chắn khi hiểu được bảng này, bạn sẽ có cái nhìn rất khác về sản phẩm. Ít nhất là khác hơn so với những gì bạn đã nghĩ hoặc đã được tư vấn. Từ đó, có thể bạn sẽ cân nhắc và có kỳ vọng hợp lý hơn về sản phẩm này.

Rồi, giờ thì bắt đầu thôi.

Bảng minh họa Phân bổ phí bảo hiểm Đầu Tư Linh Hoạt Prudential

Phân bổ phí bảo hiểm Đầu Tư Linh Hoạt  Prudential
Phân bổ phí bảo hiểm Đầu Tư Linh Hoạt Prudential

Cảm nhận đầu tiên của bạn khi nhìn vào bảng này là gì?

Sao mà LẮM loại phí thế???

Nếu bạn đang nghĩ thế thì bạn không cô đơn đâu. Lần đầu nhìn vào bảng này mình cũng vậy. Gì mà quá trời phí là phí, nhìn đâu cũng thấy phí. Thật đúng là quá phí :))

Phải công nhận là công ty đặt tên như vậy khiến người đọc hơi rối. Bởi vì dù đều gọi là phí nhưng chúng lại khác nhau về bản chất rất nhiều.

Để dễ hình dung, mình phân loại các khoản phí trong bảng này được thành hai loại. Đó là phí đóngchi phí.

  • Phí đóngtiền đi vào. Phí đóng gồm: Phí bảo hiểm cơ bảnKhoản đầu tư thêm. (Khoản đầu tư thêm còn được gọi là phí bảo hiểm đóng thêm.)
  • Chi phítiền đi ra. Chi phí gồm: Phí ban đầu, Phí bảo hiểm rủi roPhí quản lý hợp đồng.

Bạn đang thắc mắc còn hai loại phí ở giữa bảng thì sao đúng không? Rồi rồi, từ từ lát mình sẽ nói cụ thể về hai cái phí dở dở ương ương đó ở phần dưới. Ok nhé?

Giờ chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về các loại phí này.

1. Phí bảo hiểm cơ bản

Phí bảo hiểm cơ bản Pru-Đầu Tư Linh Hoạt
Phí bảo hiểm cơ bản Pru-Đầu Tư Linh Hoạt

Thắc mắc đầu tiên chắc sẽ là:

Tại sao phí bảo hiểm cơ bản lại ít hơn tổng phí đóng?”

Ở trang thông tin sản phẩm bảo hiểm, tổng phí bảo hiểm của hợp đồng này là hơn 26 triệu.

Nhưng phí BH cơ bản trong bảng Phân bổ phí bảo hiểm này lại chỉ là hơn 20 triệu.

Lí do của sự khác nhau cũng khá đơn giản. Vì phí bảo hiểm cơ bản ở đây là phí đóng của sản phẩm chính thôi.

Với sản phẩm bổ trợ nhóm 2, phí đóng được hiểu nôm na là “phí rơi” hàng năm. Bạn đóng phí năm nào thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm của năm đó. Khoản phí này không ảnh hưởng đến việc hình thành giá trị quỹ hợp đồng. Vậy nên chúng không được hiển thị trong bảng minh họa phân bổ phí.

(Trong ví dụ trên, bảo hiểm bổ trợ nhóm 2 là các sản phẩm có đuôi (b) ở cuối tên gọi nhé.)

Vậy tôi phải đóng phí 20 năm như trong bảng à?

Không đâu. Bạn còn nhớ quyền Tạm ngưng đóng phí bảo hiểm mình đã nói ở bài trước không?

Đây này…

Bên mua bảo hiểm có quyền tạm ngưng đóng Phí bảo hiểm trong bất kỳ thời điểm nào kể từ Năm hợp đồng thứ 6 trở đi với điều kiện Hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực và Giá trị quỹ của hợp đồng tại thời điểm Tạm ngưng đóng Phí bảo hiểm còn đủ để trả cho Phí bảo hiểm rủi ro và Phí quản lý hợp đồng như quy định tại Điều 14.

Việc Tạm ngưng đóng Phí bảo hiểm này có thể ảnh hưởng đến quyền lợi bảo hiểm và Hợp đồng bảo hiểm có thể bị mất hiệu lực theo quy định tại Điều 16.

Quyền tạm ngưng đóng phí bảo hiểm chỉ áp dụng đối với bảo hiểm chính và (các) Bảo hiểm bổ trợ Nhóm 1, không áp dụng đối với (các) Bảo hiểm bổ trợ Nhóm 2, nếu có. Trong thời hạn tạm ngưng đóng phí, Bên mua bảo hiểm có quyền yêu cầu chỉ đóng phí bảo hiểm cho (các) Bảo hiểm bổ trợ Nhóm 2.”

(Điều 11.1.1 Quy tắc điều khoản bảo hiểm Đầu Tư Linh Hoạt Prudential)

Tức là với điều khoản này, bạn được tự do quyết định đóng phí bao nhiêu năm tùy thích. 7 năm, 10 năm, 12 năm hay 18 năm là tùy bạn.

Việc hiển thị 20 năm đóng phí ở đây chỉ giúp bạn biết một điều. Đó là nếu đóng phí đúng theo kế hoạch như vậy thì phí đóng được phân bổ ở mỗi năm là như thế nào thôi.

Ơ thế tôi muốn đóng dài hơn thì sao? Hay chỉ được đóng phí tối đa 20 năm như bảng?

Bạn có thể đóng dài hơn được nhé. Công ty làm vậy là do quy định của pháp luật thôi. Cụ thể là theo Điều 26 về Tài liệu minh họa bán hàng trong Thông tư 135/2012/TT-BTC:

“…Doanh nghiệp bảo hiểm không được minh họa quyền lợi đầu tư dài hơn 20 năm.”

Còn trong thực tế, đến năm hợp đồng 21 bạn hoàn toàn có thể tiếp tục đóng phí để duy trì hợp đồng nếu muốn nhé.

Công ty cũng có ghi rõ điều này ở phần dưới của bảng minh họa đó.

Theo quy định của pháp luật, Bảng minh họa quyền lợi này chỉ thể hiện quyền lợi đầu tư trong 20 năm. Trên thực tế, Bên mua bảo hiểm vẫn tiếp tục duy trì hiệu lực hợp đồng cho đến cuối Thời hạn hợp đồng thì Giá trị quỹ của hợp đồng vẫn tiếp tục được đầu tư và hưởng kết quả đầu tư. Đồng thời, phí Quản lý hợp đồng và phí BH rủi ro hàng tháng vẫn được khấu trừ từ Giá trị quỹ của hợp đồng.”

Vậy nên, nếu muốn đóng dài hơn thì bạn cứ yên tâm có thể đóng dài được nhé.

2. Khoản đầu tư thêm

Khoản đầu tư thêm bảo hiểm Đầu Tư Linh Hoạt
Khoản đầu tư thêm bảo hiểm Đầu Tư Linh Hoạt

Đây là khoản tiền không bắt buộc phải đóng. Vì đúng như tên gọi, nó thuần là khoản đầu tư thêm thôi.

Nếu bạn nghĩ rằng công ty đầu tư tốt, bạn có thể đóng thêm khoản này. Kiểu như: “Đây, tôi có tiền nhàn rỗi mà chưa biết làm gì cho có lời. Thấy công ty đầu tư cũng giỏi thì làm dùm tôi, công xá như nào tôi trả…”. Kiểu vậy đấy.

Còn nếu bạn không muốn, hoặc không có tiền đầu tư thêm, thì khỏi đóng cũng không sao cả.

Trong ví dụ trên anh A không đầu tư thêm. Nhưng nếu sau đó anh có đổi ý muốn đầu tư thêm thì vẫn được nhé. Chỉ cần lưu ý hai điểm:

  • Phí bảo hiểm cơ bản của năm hợp đồng đó phải được đóng đầy đủ. Đủ phí cơ bản mới tính đến đầu tư thêm được nhé.
  • Khoản phí đầu tư thêm này không quá 10 lần phí bảo hiểm cơ bản của năm hợp đồng đầu tiên. Ví dụ: phí cơ bản của anh A đóng là 20 triệu đồng thì không được đầu tư thêm quá 200 triệu đồng/năm.

3. Phí ban đầu

Phí ban đầu bảo hiểm Pru-Đầu Tư Linh Hoạt
Chi phí ban đầu bảo hiểm Pru-Đầu Tư Linh Hoạt
“Phí ban đầu được tính toán như thế nào?”

Như mình đã nói ở trên, phí ban đầu là khoản tiền bị trừ đi. Cụ thể là trừ đi từ phí bảo hiểm cơ bản và phí bảo hiểm đóng thêm (hay khoản đầu tư thêm). Trừ bao nhiêu thì công ty có đưa ra bảng tỷ lệ chi tiết như sau:

Tỷ lệ phí ban đầu
Tỷ lệ phí ban đầu

Nhìn vào đây bạn vẫn chưa hiểu rõ lắm đúng không?

Để mình lấy ví dụ ở hợp đồng trên cho bạn dễ hình dung nhé.

Năm thứ nhất, anh A đóng phí bảo hiểm cơ bản 20.040.000 đồng và không có khoản đầu tư thêm.

  • Tỷ lệ phí ban đầu của Phí bảo hiểm cơ bản cho năm hợp đồng đầu tiên: 85%

-> Phí ban đầu của Phí bảo hiểm cơ bản cho năm HĐ đầu tiên: 20.040.000 x 85% = 17.034.000 đồng

  • Tỷ lệ phí ban đầu của Phí bảo hiểm đóng thêm (Khoản đầu tư thêm) cho năm hợp đồng đầu tiên: 5%

-> Phí ban đầu của Phí bảo hiểm đóng thêm cho năm HĐ đầu tiên: 0 x 5% = 0 đồng

=> Tổng phí ban đầu của năm HĐ đầu tiên = Phí ban đầu của Phí bảo hiểm cơ bản + Phí ban đầu của Phí bảo hiểm đóng thêm = 17.034.000 đồng

Đây chính là con số bạn thấy ở trong bảng minh họa đó. Cách tính cũng khá đơn giản đúng không?

Các năm sau cũng tính tương tự như vậy là ra ngay thôi.

Nhưng sao họ trừ phí này nhiều thế? Đóng 20 triệu mà đã trừ hết 17 triệu rồi?

Công ty dùng chi phí này trả cho các khoản như: thẩm định hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, phát hành hợp đồng, khám sức khỏe (nếu có) … Và một phần không nhỏ là hoa hồng dành cho đại lý (và các cấp quản lý của đại lý nữa).

Đại loại đây là tất cả những chi phí mà công ty tính toán là cần thiết để hợp đồng đến tay bạn.

Dù sao thì bảo hiểm cũng là một loại sản phẩm khá nhạy cảm và phức tạp. Để thuyết phục được một khách hàng như bạn xuống tiền thì họ cũng khá tốn công tốn sức đấy chứ, phải không?

4. Phí bảo hiểm được phân bổ

Phí bảo hiểm được phân bổ trong sản phẩm Đầu Tư Linh Hoạt
Phí bảo hiểm được phân bổ trong sản phẩm Đầu Tư Linh Hoạt

Đây chính là một trong hai loại phí dở dở ương ương mà mình đã nói ở trên. Tất nhiên đó là nói cho vui thôi.

Sở dĩ mình nói vậy vì khoản này không phải tiền đi vào, cũng không phải tiền đi ra. Mình tạm gọi nó là tiền còn lại.

Cụ thể, nó là kết quả còn lại sau khi trừ phí ban đầu từ phí đóng:

Phí bảo hiểm được phân bổ = Phí bảo hiểm cơ bản + Khoản đầu tư thêm – Phí ban đầu.

Cái tên Phí bảo hiểm được phân bổ ở đây được hiểu là số tiền còn lại được chia (phân bổ) vào các quỹ đơn vị mà bạn đã chọn. (Bạn còn nhớ phần tỷ lệ đầu tư ở bài trước chứ? Bạn có thể chọn đầu tư vào 6 quỹ đơn vị nhỏ ấy.)

Mình lấy ví dụ ở năm hợp đồng đầu tiên:

Phí bảo hiểm được phân bổ = 20.040.000 – 17.034.000 = 3.006.000 đồng.

Cách tính rất đơn giản đúng không?

Tính thì dễ, nhưng nghĩ lại thì… Đóng vào 20 triệu mà chỉ còn 3 triệu được đưa vào quỹ để đầu tư. Cũng hơi xót xa nhỉ?

Nhưng mà thôi, ít nhất là bạn hiểu được tiền của mình đi đâu về đâu. Bớt bớt mù mờ hơn chút cũng đỡ, đúng không?

5. Phí bảo hiểm được phân bổ vào các quỹ liên kết đơn vị Prulink

Phí bảo hiểm được phân bổ vào các quỹ liên kết đơn vị Prulink
Phí bảo hiểm được phân bổ vào các quỹ liên kết đơn vị Prulink

Khoản Phí bảo hiểm được phân bổ (là cái phí chúng ta vừa nói ở trên) sẽ được chia vào các quỹ đơn vị mà bạn đã chọn. Và nó được gọi là Phí bảo hiểm được phân bổ vào các quỹ liên kết đơn vị Prulink.

(phù… đặt tên gì mà dài quá là dài)

Hiểu đơn giản là bạn đầu tư vào quỹ nào thì họ sẽ hiển thị số tiền tương ứng theo đúng tỷ lệ của quỹ ấy. Từ đầu bạn chọn 1 quỹ thì họ đưa hết vào quỹ đó. Bạn chọn 3 quỹ thì họ chia tiền vào đúng 3 quỹ theo tỷ lệ (cũng của bạn chọn từ đầu).

Ở ví dụ trên, anh A đầu tư 100% vào quỹ Cổ Phiếu Việt Nam. Vậy nên Phí bảo hiểm được phân bổ vào Quỹ Cổ Phiếu Việt Nam sẽ bằng đúng 3.006.000 đồng.

Giả sử anh A đầu tư theo tỷ lệ 50-50 vào hai quỹ Cổ Phiếu Việt Nam và Tăng Trưởng. Khi đó, Phí bảo hiểm được phân bổ vào Quỹ Cổ Phiếu Việt Nam = Phí bảo hiểm được phân bổ vào Quỹ Tăng Trưởng = 1.503.000 đồng.

Đơn giản là vậy.

6. Phí bảo hiểm rủi ro

Phí bảo hiểm rủi ro sản phẩm Pru-Đầu Tư Linh Hoạt
Phí bảo hiểm rủi ro sản phẩm Pru-Đầu Tư Linh Hoạt

Đây có lẽ là loại phí quan trọng nhất trong bảo hiểm.

Trong tiếng Anh, họ gọi phí này là Cost of Insurance. Dịch từng từ thì nó chính là Chi phí (của việc) bảo hiểm. Hay nói cụ thể hơn,

Phí bảo hiểm rủi ro là chi phí thực tế bạn cần phải trả để được hưởng quyền lợi bảo hiểm khi rủi ro xảy ra.

Bạn không trả đủ chi phí này thì bạn không được hưởng quyền lợi bảo hiểm nữa. (còn trả thế nào thì mình sẽ nói rõ hơn ở phần dưới).

Khoản chi phí này được tính toán dựa trên một số yếu tố chính:

  • Số tiền bảo hiểm chịu rủi ro
  • Độ tuổi của người được bảo hiểm
  • Giới tính của người được bảo hiểm
  • Thời hạn bảo hiểm
  • Sức khỏe, nghề nghiệp của người được bảo hiểm

Thông tin này có trong Quy tắc điều khoản sản phẩm hết. Bạn nên đọc thêm để hiểu rõ hơn nhé.

Trong bảng minh họa sản phẩm Đầu Tư Linh Hoạt, có hai loại phí bảo hiểm rủi ro. Đó là:

  • Phí bảo hiểm rủi ro sản phẩm chính
  • Phí bảo hiểm rủi ro (các) sản phẩm bổ trợ nhóm 1

Giờ chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu từng loại phí rủi ro này.

6.1. Phí bảo hiểm rủi ro sản phẩm chính

Phí bảo hiểm rủi ro sản phẩm chính Đầu Tư Linh Hoạt
Phí bảo hiểm rủi ro sản phẩm chính Đầu Tư Linh Hoạt

Bạn còn nhớ sản phẩm chính của hợp đồng này là gì chứ?

Đúng rồi, đó là sản phẩm Đầu Tư Linh Hoạt. Mình phải nhắc lại vì có không ít người vẫn nghĩ rằng cả hợp đồng bảo hiểm là một sản phẩm với tất cả quyền lợi.

Thực tế là mỗi hợp đồng thường bao gồm nhiều sản phẩm. Trong đó sản phẩm chính là bắt buộc phải có rồi. Còn sản phẩm bổ trợ thì có thể có hoặc không. Nếu có thì có thể có nhiều hoặc có ít sản phẩm bổ trợ tùy vào từng khách hàng. Và tất nhiên là mỗi sản phẩm có quyền lợi bảo hiểm khác nhau rồi.

Về mặt bảo hiểm, sản phẩm chính Đầu Tư Linh Hoạt chỉ có hai quyền lợi. Đó là Tử vongThương tật toàn bộ vĩnh viễn.

Sản phẩm chính bảo vệ trước những rủi ro đặc biệt như vậy nên phí rủi ro của nó cũng sẽ khác các sản phẩm bổ trợ khác.

Nhìn vào cột Phí bảo hiểm rủi ro sản phẩm chính, có lẽ bạn sẽ có thắc mắc đầu tiên (giống như nhiều người khác):

Phí rủi ro trong cột này được tính như thế nào?

Về cơ bản, phí bảo hiểm rủi ro được tính như sau:

Phí bảo hiểm rủi ro = Số tiền bảo hiểm chịu rủi ro x Tỷ lệ rủi ro

Với sản phẩm Đầu Tư Linh Hoạt, Số tiền bảo hiểm chịu rủi ro chính là Số tiền bảo hiểm gốc. Con số này không thay đổi qua các năm.

Tức là bây giờ anh A mua hợp đồng với số tiền bảo hiểm 500 triệu đồng. Sau 5 năm, 10 năm nữa thì số tiền bảo hiểm chịu rủi ro thực tế khi đó vẫn là 500 triệu đồng như thời điểm đầu.

Đây là điểm khác với sản phẩm một số bên khác. Đó là họ áp dụng chương trình bảo hiểm có số tiền bảo hiểm chịu rủi ro thay đổi/giảm dần.

Bạn thấy lạ hoắc đúng không? Thế còn Quyền lợi cơ bản, Kế hoạch cơ bản, Kế hoạch A… đại loại vậy. Nghe mấy từ này chắc quen quen hơn chút nhỉ? Để hiểu hơn về phần này thì bạn có thể xem video này nhé:

Lưu ý: Thực ra Prudential cũng có kiểu kế hoạch cơ bản như vậy, nhưng chỉ áp dụng sau tuổi 70. Nhưng bây giờ nói chi tiết về điều này chỉ làm bạn rối thêm thôi. Hãy cứ tập trung vào cái cốt lõi trước đã nhé.

Quay lại với cách tính phí rủi ro.

Tỷ lệ rủi ro ở đây là xác suất mà người được bảo hiểm gặp rủi ro trong một năm nhất định. Nhìn từ phía nhà bảo hiểm, đây là xác suất công ty phải bồi thường cho khách hàng trong năm đó.

Tỷ lệ rủi ro này lại phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, sức khỏe, nghề nghiệp của người được bảo hiểm.

Thông thường, các công ty bảo hiểm không công bố công khai tỷ lệ rủi ro. Vậy nên chúng ta không tính được phí bảo hiểm rủi ro (như tính với phí ban đầu). Dù sao, ít nhất tới đây bạn cũng hiểu cơ bản phí rủi ro được tính như nào thế nào rồi, đúng không?

Vẫn thấy rắc rối quá hả? Thực ra cũng không phải lo lắm đâu.

Hiểu được ý nghĩa cơ bản của phí rủi ro là được. Chẳng hạn, mình lấy ví dụ ở trên của anh A.

Ở năm hợp đồng thứ nhất, miễn là anh A trả được 991 nghìn đồng chi phí rủi ro sản phẩm chính, thì công ty sẽ chi trả 500 triệu đồng trong trường hợp anh A không may “ra đi”. Đơn giản vậy thôi nhé.

Đến đây rồi chắc bạn sẽ có thắc mắc cũng rất liên quan. Đó là…

Tại sao giá trị cột này càng ngày càng tăng?

Nói cách khác, tại sao càng về sau bạn càng bị trừ nhiều phí này hơn?

Để trả lời câu hỏi này, mình sẽ quay trở lại công thức trên:

Phí bảo hiểm rủi ro = Số tiền bảo hiểm chịu rủi ro x Tỷ lệ rủi ro

Như đã nói, số tiền bảo hiểm chịu rủi ro của sản phẩm này luôn không đổi. (và bằng số tiền bảo hiểm gốc.) Trong khi đó, tỷ lệ rủi ro tăng dần khi người được bảo hiểm lớn tuổi hơn. Điều này khiến Phí bảo hiểm rủi ro tăng dần.

Do không có bảng tỷ lệ rủi ro của công ty, nên mình sẽ giới thiệu cho các bạn một tài liệu tương tự như vậy. Đó là Bảng tỷ lệ tử vong CSO 1980.

Tài liệu này do Bộ Tài Chính công bố nên bạn cứ yên tâm về tính khách quan và hợp pháp nhé. Dù dữ liệu hơi cũ, nhưng để tham khảo thì vẫn ổn.

Bảng này cho biết tỷ lệ tử vong của một người nam hoặc nữ ở một độ tuổi nhất định. (dựa trên cở sở dữ liệu thống kê của Bộ Tài Chính.)

Ví dụ: Tỷ lệ tử vong của một người nam 35 tuổi là 0,00217. Nói cách khác, trong 1.000 người nam 35 tuổi, có 2 người ra đi trong năm đó.

Tương tự, trong 1.000 người nam 50 tuổi, con số này là 7 người.

Có thể nói tỷ lệ rủi ro tăng dần là rất bình thường và tự nhiên. Do đó, việc phí bảo hiểm rủi ro tăng dần theo các năm là hoàn toàn dễ hiểu.

6.2. Phí bảo hiểm rủi ro sản phẩm bổ trợ nhóm 1

Bạn còn nhớ về các sản phẩm bổ trợ nhóm 1 chứ? Ở trang Thông tin sản phẩm bảo hiểm trong bài trước đó. Đấy là những sản phẩm có đuôi (a) ở cuối tên gọi. Ngoài ra, nó không hiển thị mức phí bảo hiểm năm.

Như đã nói trong bài trước, không thể hiện mức phí không có nghĩa là được bảo hiểm miễn phí đâu. Công ty kinh doanh kiếm lời thì làm gì có chuyện miễn phí được. Bạn sẽ vẫn phải trả tiền để được bảo vệ với các sản phẩm bổ trợ nhóm 1 này. Nhưng thông qua hình thức khác.

Đó chính là Phí bảo hiểm rủi ro mà chúng ta đang nói ở đây

Phí rủi ro bảo hiểm bổ trợ nhóm 1 Pru-Đầu Tư Linh Hoạt
Phí rủi ro bảo hiểm bổ trợ nhóm 1 Pru-Đầu Tư Linh Hoạt

Trong ví dụ trên, anh A chỉ mua một sản phẩm bổ trợ nhóm 1. Đó là QLBH Chết và tàn tật do tai nạn mở rộng. Do vậy, cột phí bảo hiểm rủi ro sản phẩm bổ trợ nhóm 1 thể hiện phí rủi ro của sản phẩm này.

(Nếu bạn mua nhiều sản phẩm bổ trợ nhóm 1, cột này sẽ thể hiện tổng phí rủi ro của tất cả các sản phẩm đó.)

Trong trường hợp trên, anh A chỉ cần đảm bảo trả được 132 nghìn đồng/năm thì sẽ được hưởng các quyền lợi của sản phẩm bổ trợ này. Hình thức trả thì giống như với sản phẩm chính Đầu Tư Linh Hoạt. Đó là công ty sẽ trừ phí rủi ro từ giá trị quỹ của hợp đồng.

(Giá trị quỹ hợp đồng lại được hình thành từ phí đóng vào. Vậy nên có thể hiểu là thực ra bạn đã đóng phí cho sản phẩm bổ trợ nhóm 1 ngay từ đầu rồi. Và nó nằm trong phí cơ bản của sản phẩm chính vậy.)

Về cơ bản, phí rủi ro sản phẩm bổ trợ nhóm 1 cũng áp dụng công thức:

Phí bảo hiểm rủi ro = Số tiền bảo hiểm chịu rủi ro x Tỷ lệ rủi ro

Mỗi loại sản phẩm bổ trợ nhóm 1 sẽ có quyền lợi bảo hiểm khác nhau. Ví dụ: tai nạn, ốm đau bệnh tật thông thường, bệnh hiểm nghèo… Mỗi loại rủi ro này có xác suất xảy ra khác nhau. Do đó, tỷ lệ rủi ro (và phí rủi ro) của mỗi sản phẩm tương ứng các quyền lợi trên cũng khác nhau rất nhiều.

(Nhắc lại: Các sản phẩm bổ trợ nhóm 2 có phí “rơi”. Bạn đóng phí năm nào thì được bảo vệ năm đó. Phí này không ảnh hưởng đến dòng tiền nên không xuất hiện trong bảng minh họa phân bổ phí. Do đó, bạn cũng sẽ không thấy có phí rủi ro của bảo hiểm nhóm 2 ở đây.)

7. Phí quản lý hợp đồng Đầu Tư Linh Hoạt

Phí quản lý hợp đồng bảo hiểm Đầu Tư Linh Hoạt Prudential
Chi phí quản lý hợp đồng bảo hiểm Đầu Tư Linh Hoạt Prudential

Phí quản lý hợp đồng là một số tiền cố định tính trên mỗi hợp đồng bảo hiểm. Đây là định nghĩa theo Quy tắc điều khoản sản phẩm. Bạn có thể hiểu đơn giản đây là chi phí để công ty quản lý, cập nhật thông tin hợp đồng của khách hàng.

Công ty thu cố định 40.000 đồng/tháng với chi phí này. Cũng không nhiều phải không?

Trong bảng minh họa, cả hai cột Phí bảo hiểm rủi roPhí quản lý hợp đồng đều thể hiện số tiền bạn cần đóng cho cả một năm hợp đồng. Nhưng trong thực tế, các chi phí này được khấu trừ theo tháng từ giá trị quỹ hợp đồng.

Khấu trừ theo tháng là trừ như thế nào?

Để mình lấy ví dụ cho bạn dễ hình dung nhé.

Ở năm hợp đồng thứ nhất, tổng phí bảo hiểm rủi ro (cả chính và bổ trợ nhóm 1) và phí quản lý hợp đồng là: (991.000 + 132.000) + 480.000 = 1.603.000 đồng.

Công ty không trừ một lần cả 1.603.000 đồng luôn. Thay vào đó, vào mỗi đầu tháng hợp đồng của năm hợp đồng đầu tiên, họ trừ ~133.583 đồng (1.603.000 đồng chia cho 12 tháng).

Tương tự như vậy với các năm hợp đồng tiếp theo. Phí rủi ro và Phí quản lý hợp đồng cũng sẽ được khấu trừ theo từng tháng hợp đồng tương ứng.

Điều này sẽ có ảnh hưởng đến dòng tiền của hợp đồng. Bạn hãy đọc bài viết số 3 về bảng Minh họa giá trị quỹ để hiểu rõ hơn nhé.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm về file excel ở bài viết bên dưới. Với file này bạn cũng có thể hiểu được chi phí được khấu trừ theo tháng ở các năm hợp đồng như thế nào.

File Excel Tính Dòng Tiền Bảo Hiểm Đầu Tư Linh Hoạt Prudential 2024

Giờ thì mình sẽ tóm tắt lại bài này một chút.

TÓM TẮT BẢNG PHÂN BỔ PHÍ BẢO HIỂM ĐẦU TƯ LINH HOẠT PRUDENTIAL

Mình biết có rất nhiều thông tin về các loại phí trong bảng này. Nếu bạn đã hiểu hết một cách chi tiết và rõ ràng về từng loại thì quá tốt rồi.

Nhưng nếu chưa thì cũng không sao. Chỉ cần nhớ được hai điều sau thôi:

  1. Trong hợp đồng sẽ có tiền đi vàotiền đi ra.
    • Tiền đi vào là tiền phí bạn đóng vào. Bao gồm: Phí bảo hiểm cơ bản và Khoản đầu tư thêm.
    • Tiền đi ra là các chi phí cần thiết công ty trừ đi để hợp đồng có hiệu lực. Bao gồm: Phí ban đầu, Phí bảo hiểm rủi ro và Phí quản lý hợp đồng.
  2. tiền đi ra tức là không phải toàn bộ phí đóng được đầu tư hết. Vậy nên số tiền bạn nhận về sau này có thể ít hơn tổng phí đóng.

Rồi, như vậy là cũng đủ rồi đó.

Hẹn gặp lại bạn ở bài viết tiếp theo nhé.


Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời Linh một ly cà phê nhé!

Leave a Comment