Một trong những câu nói phổ biến nhất về bảo hiểm mà bạn dễ bắt gặp các đại lý ra rả trên mạng xã hội là:
“Mua bảo hiểm nhân thọ không phải là tiêu tiền đi, mà chỉ là cất tiền theo cách có lợi nhất mà thôi”
Okay. This is bullshit!
Ngày xưa mình cũng từng tin vào câu này, vì nghe thấy hay hay. Đó là cái thời chưa được ánh sáng khoa học “chói qua tim”. Hơi sến, nhưng mà thật. Bảo hiểm nhân thọ – hay Bảo hiểm nói chung – phát triển dựa trên nền tảng khoa học xác suất thống kê.
Nói vậy để thấy lời quảng cáo trên kia mới nghe thì thấy khá vô lý, nhưng hiểu kỹ ra thì nó … vô lý thật 😂.
Mình sẽ cho bạn biết vì sao bằng cách phân tích 2 vế của câu (hơi giống phân tích văn ngày xưa).
Vế 1: “Mua bảo hiểm nhân thọ không phải là tiêu tiền đi…“
Để được bảo hiểm, bạn PHẢI tiêu tiền – hay phải trả phí cho Công ty BH.
Trong đó, chi phí đầu tiên và quan trọng nhất là 𝗖𝗵𝗶 𝗽𝗵𝗶́ 𝗯𝗮̉𝗼 𝗵𝗶𝗲̂̉𝗺 𝗿𝘂̉𝗶 𝗿𝗼 (𝗖𝗼𝘀𝘁 𝗼𝗳 𝗜𝗻𝘀𝘂𝗿𝗮𝗻𝗰𝗲 – 𝗖𝗢𝗜).
Tưởng tượng hợp đồng BHNT là chiếc smartphone thì COI chính là chi phí mua màn hình cảm ứng để bạn lướt lướt fb, camera để bạn seo phì, loa để bạn nghe gọi…
Nói cách khác, cái rủi-ro-được-bảo-hiểm đó chính là “nguyên vật liệu” của một sản phẩm bảo hiểm. (Làm công ty vendor cho Samsung lâu năm nên hơi lậm công việc chút :D).
Và tất nhiên, ngoài nguyên vật liệu thì bạn phải trả tiền cho các chi phí khác như nhân công, marketing, CP phân phối sản phẩm, CP hoạt động…
Trong BH, các chi phí này là hoa hồng cho đại lý, chi phí thẩm định hồ sơ, phát hành hợp đồng, chi phí nuôi bộ máy nhân viên fulltime của công ty, chi phí marketing… Và chúng được gọi chung dưới tên: Chi phí ban đầu.
Nếu bạn không trả 2 loại phí này (hay không tiêu tiền), bạn không được bảo hiểm.
Vậy, mua bảo hiểm nhân thọ không phải là tiêu tiền thì là cái quái gì???
Vế 2: “… mà là cất tiền theo cách có lợi nhất”
Vế này thường được hiểu và giải thích với 2 cách.
1. Tiền được “cất” vào quỹ dự phòng nằm viện, bệnh hiểm nghèo, tai nạn…
Với cách hiểu này, thực chất bạn chẳng cất cái gì vào đâu cả. Vì sao à?
- Nếu không gặp rủi ro trong thời hạn hợp đồng, bạn sẽ không được nhận lại tiền đã trả cho chi phí rủi ro (“nguyên vật liệu”) hay chi phí ban đầu ở trên.
- Tại bất cứ thời điểm nào trong thời hạn hợp đồng, bạn cũng không thể lấy lại hoặc rút ra số tiền đã trả cho các chi phí đó.
Vậy, bạn cho tiền vào mà không thể lấy ra khi muốn thì không thể gọi là “cất tiền” được.
Đơn giản chỉ là bạn bỏ tiền ra mua dịch vụ (bồi thường khi sự kiện BH xảy ra). Chỉ thế thôi.
2. Tiền được “cất” vào quỹ tiết kiệm, quỹ học vấn, quỹ hưu trí…
“Sau xx năm, bạn sẽ được nhận lại tiền bộ phí đã đóng (hòa vốn hoặc hơn) và còn được bảo vệ miễn phí suốt xx năm đó.”
Phần bảo vệ không hề miễn phí như đã phân tích ở trên.
Còn phần “cất tiền” thì đúng, bạn có cất tiền, và (về cơ bản) có thể rút tiền ra khi bạn cần.
Nhưng liệu nó phải là cách cất tiền “có lợi nhất”?
Nếu chỉ xét đến yếu tố tích lũy thì Bảo hiểm nhân thọ (gần như) không phải là phương pháp tốt nhất.
Đúng là có sản phẩm bảo hiểm có thể mang lại mức lãi suất cao hơn lãi ngân hàng. Nhưng hãy luôn nhớ rằng mức lãi đó không được đảm bảo.
>> Xem thêm: Pru – Đầu tư linh hoạt – Lãi suất bảo hiểm cao hơn ngân hàng?
(Nếu bạn muốn tìm hiểu kỹ hơn về sản phẩm này, hãy inbox mình).
Còn nếu bạn không hứng thú với việc tích lũy bằng bảo hiểm thì lời khuyên của mình là hãy lựa chọn dòng sản phẩm bảo hiểm thuần-bảo-hiểm nhất (vì nó rẻ nhất).
(Một lần nữa, nếu muốn biết rõ hơn, hãy inbox mình. Không nhiều đại lý biết và giới thiệu sản phẩm này với bạn đâu).
Tóm lại, phần bảo hiểm trong BHNT là chi phí, là tiêu tiền. Chức năng tích lũy (thường không đảm bảo) của BHNT là một phần tách biệt. Nó không đồng nghĩa với việc “mua BHNT không phải tiêu tiền đi” và hầu như không bao giờ là “có lợi nhất”.
Ngành BHNT không thiếu những người bán hàng sử dụng các mỹ từ, câu nói nhân văn để thu hút sự quan tâm của bạn. (và để che đậy sự yếu kém về kiến thức của mình).
Hãy là một khách hàng thông thái!