Bảo Hiểm An Thịnh Đầu Tư Dai-ichi 2024: Đọc Là Hiểu Bảng Minh Họa (Phần 2)

Chào bạn. Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về Bảng minh họa phân bổ phí bảo hiểm sản phẩm An Thịnh Đầu Tư.

Bài này sẽ giúp bạn hiểu được tiền đóng vào sẽ đi đâu về đâu. Nói cách khác là nó bị trừ các loại chi phí gì và tích lũy như thế nào.

Dành cho bạn nào chưa biết, đây là bài viết thứ hai về chủ đề Đọc hiểu bảng minh họa bảo hiểm An Thịnh Đầu Tư của Dai-ichi. Các bài viết này dựa trên những phần chính có trong bảng minh họa sản phẩm. Bao gồm:

Để đọc bài nào, bạn chỉ cần bấm vào bài đó. Nếu bấm vào không được tức là bài đó chưa được đăng. Mình sẽ cập nhật link trong thời gian sớm nhất nhé.

Giờ thì vào bài hôm nay thôi.

Bảng minh họa phân bổ phí bảo hiểm An Thịnh Đầu Tư Dai-ichi

Bảng minh họa phân bổ phí bảo hiểm An Thịnh Đầu Tư Dai-ichi
Minh họa phân bổ phí bảo hiểm – trang 1/2
Minh họa phân bổ phí bảo hiểm – trang 2/2

Có ba điểm cần lưu ý:

  • Theo thứ tự trong bảng minh họa, bảng này xuất hiện sau bảng Minh họa quyền lợi bảo hiểm. (chúng ta sẽ nói về bảng này ở bài 3). Nhưng để hiểu được phần quyền lợi thì bạn cần hiểu về phần phân bổ phí bảo hiểm ở đây trước đã.
  • Phần minh họa phân bổ phí bảo hiểm này có hai bảng. Dựa theo giả định ở hai mức tỷ suất đầu tư cao và thấp. Hai bảng này chỉ khác nhau về con số ở cột cuối cùng (cột Giá trị quỹ). Nhưng về cách tính toán thì tương tự nhau thôi.
  • Trong bảng này bạn thấy có rất nhiều loại phí khác nhau. Để bạn đỡ rối thì mình tạm chia chúng thành 3 loại khác nhau. Mình sẽ giải thích rõ hơn ở dưới nhé.
    • Tiền đi vào: Tổng phí bảo hiểm hàng năm
    • Tiền đi ra: Chi phí ban đầu, Phí bảo hiểm rủi ro sản phẩm chính, Phí bảo hiểm rủi ro sản phẩm bổ sung, Phí quản lý hợp đồng.
    • Tiền còn lại: Phí bảo hiểm phân bổ sản phẩm chính, Phí bảo hiểm sản phẩm bổ sung sau khi trừ phí ban đầu, Phí bảo hiểm được phân bổ vào từng quỹ

Okay, giờ chúng ta lần lượt tìm hiểu kĩ hơn về từng cột trong bảng.

1. Tổng phí bảo hiểm hàng năm

Tổng phí bảo hiểm hàng năm An Thịnh Đầu Tư

Như mình đã nói ở trên, đây là một khoản tiền đi vào. Nói cách khác, đây là tiền bạn đóng vào hợp đồng. Phần này thể hiện tổng số tiền bạn đóng vào cho cả hợp đồng trong một năm.

Công thức chi tiết hơn sẽ là:

Tổng phí bảo hiểm hàng năm = Phí BH cơ bản sản phẩm chính + Phí BH sản phẩm bổ sung + Phí BH đóng thêm.

Ở bài trước bạn đã gặp nó với tên gọi “Phí BH dự kiến”.

(Ngoài lề một chút. Không biết bạn thấy sao, chứ mình thấy cách gọi tên các loại phí đóng của Dai-ichi hơi dễ bị loạn.)

Ở ví dụ trên, năm đầu tiên khách hàng đóng tổng cộng 68.558.000 đồng.

Từ năm thứ hai, tổng phí đóng giảm xuống hơn 39 triệu đồng. Lí do là các năm sau khách hàng không đóng phí đóng thêm nữa.

Các năm tiếp theo có một chút khác biệt nhỏ về tổng phí (39.073 ở năm 2-8 và 39.330 ở năm 9-13).Lí do là vì phí sản phẩm bổ sung có thay đổi. Cụ thể trong ví dụ này phí sản phẩm thẻ sức khỏe tăng dần theo độ tuổi của khách hàng.

(ở bài trước mình cũng đã nói về vấn đề này rồi.)

2. Chi phí ban đầu

Chi phí ban đầu bảo hiểm An Thịnh Đầu Tư Dai-ichi

Chi phí ban đầu là gì?

Đây là một khoản tiền đi ra. Cụ thể là công ty sẽ TRỪ khoản tiền này ngay khi bạn đóng phí vào. Mục đích là để thanh toán cho một số chi phí liên quan đến hợp đồng.

Đó là chi phí thẩm định hồ sơ, thẩm định sức khỏe, phát hành hợp đồng… Ngoài ra, có một phần lớn trong đó là chi hoa hồng cho đại lý.

Dai-ichi quy định chi phí ban đầu cụ thể như sau:

Chi phí ban đầu bảo hiểm An Thịnh Đầu Tư Daiichi
Chi phí ban đầu bảo hiểm An Thịnh Đầu Tư Daiichi

Chi phí ban đầu được tính toán như thế nào?

Trong bảng minh họa, Chi phí ban đầu = Chi phí ban đầu của sản phẩm chính + Chi phí ban đầu của sản phẩm bổ sung.

Mình sẽ lấy ví dụ năm hợp đồng đầu tiên để các bạn hiểu rõ hơn nhé.

Chi phí ban đầu của sản phẩm chính

Phí BH cơ bản năm đầu tiên là: 18.640.000 đồng.

-> Chi phí ban đầu của phí BH cơ bản = 18.640.000 x 75% = 13.980.000 đồng.

Phí BH đóng thêm năm đầu tiên là: 30.000.000 đồng.

-> Chi phí ban đầu của phí BH đóng thêm = 30.000.000 x 5% = 1.500.000 đồng.

=> Chi phí ban đầu năm đầu tiên của sản phẩm chính = 13.980.000 + 1.500.000 = 15.480.000 đồng.

Chi phí ban đầu của sản phẩm bổ sung

Công ty gọi khoản này là chi phí khai thác của sản phẩm bổ sung. Về bản chất thì vẫn là một thôi. Hơn nữa, nó cũng dùng chung tỷ lệ với chi phí ban đầu của sản phẩm chính.

Phí BH sản phẩm bổ sung năm đầu tiên là: 2.134.000 + 16.000.000 + 1.784.000 = 19.918.000 đồng.

-> Chi phí ban đầu năm đầu tiên của sản phẩm bổ sung = 19.918.000 x 75% = 14.938.500 đồng.

=> Tổng chi phí ban đầu năm đầu tiên = 15.480.000 + 14.938.500 = 30.418.500 đồng.

(Chi phí ban đầu trong BMH là 30.419 nghìn đồng là do công ty làm tròn đến hàng nghìn.)

Các năm tiếp theo bạn chỉ cần tính tương tự như vậy. Lưu ý dùng đúng tỷ lệ chi phí ban đầu của từng năm hợp đồng là được.

3. Phí bảo hiểm phân bổ sản phẩm chính

Phí bảo hiểm phân bổ sản phẩm chính An Thịnh Đầu Tư

Ở trên mình đã nói Phí BH phân bổ sản phẩm chínhtiền còn lại.

Từ “còn lại” ở đây có nghĩa là phần tiền còn lại từ phí đóng vào của sản phẩm chính SAU KHI trừ chi phí ban đầu của sản phẩm chính.

Viết theo công thức thì sẽ là như thế này.

Phí BH phân bổ sản phẩm chính = Phí BH sản phẩm chính – Chi phí ban đầu của sản phẩm chính

Trong đó, Phí BH sản phẩm chính = Phí BH cơ bản + Phí BH đóng thêm.

Lấy ví dụ ở năm đầu tiên, chúng ta sẽ có:

Phí BH sản phẩm chính = 18.640.000 + 30.000.000 = 48.640.000 đồng.

Chi phí ban đầu của sản phẩm chính năm đầu tiên là: 15.480.000 đồng. (chúng ta vừa tính được ở phần trên)

-> Phí BH phân bổ sản phẩm chính = 48.640.000 – 15.480.000 = 33.160.000 đồng.

Tính tương tự như vậy, bạn sẽ tính được con số ở các năm tiếp theo.

4. Phí bảo hiểm sản phẩm bổ sung sau khi trừ phí ban đầu

Phí bảo hiểm sản phẩm bổ sung sau khi trừ phí ban đầu

Giống với Phí BH phân bổ sản phẩm chính, đây cũng là một khoản tiền còn lại. Chỉ khác đây là với sản phẩm bổ sung.

Công thức tính sẽ là:

Phí BH sản phẩm bổ sung sau khi trừ Phí ban đầu = Phí BH sản phẩm bổ sung – Chi phí ban đầu của SP bổ sung

Với năm hợp đồng đầu tiên, chúng ta đã tính được ở trên:

Phí BH sản phẩm bổ sung là: 19.918.000 đồng.

Chi phí ban đầu của sản phẩm bổ sung là: 14.938.500 đồng.

-> Phí BH sản phẩm bổ sung sau khi trừ Phí ban đầu = 19.918.000 – 14.938.500 = 4.979.500 đồng.

(Trong bảng minh họa, công ty làm tròn lên hàng nghìn thành 4.980 nghìn đồng.)

5. Phí bảo hiểm được phân bổ vào từng Quỹ

Phí bảo hiểm được phân bổ vào từng Quỹ An Thịnh Đầu Tư

Một cách dễ hiểu nhất thì đây là tổng của hai cột liền trước đó. Tức là:

Phí BH được phân bổ vào từng quỹ = Phí BH phân bổ SP chính + Phí BH SP bổ sung sau khi trừ phí ban đầu

Ở năm đầu tiên, Phí BH được phân bổ vào từng quỹ = 33.160.000 + 4.979.500 = 38.139.500 đồng.

Hoặc bạn cũng có thể tính theo cách khác. Đó là:

Phí BH được phân bổ vào từng quỹ = Tổng phí bảo hiểm hàng năm – Chi phí ban đầu.

(chính là cột 2 và cột 3 trong bảng)

Ở năm đầu tiên, kết quả cũng tương tự:

Phí BH được phân bổ vào từng quỹ = 68.558.000 – 30.418.500 = 38.139.500 đồng.

(bảng minh họa làm tròn đến hàng nghìn thành 38.140 nghìn đồng.)

Dù tính theo cách nào thì cột này cũng thể hiện tổng số tiền còn lại từ phí đóng SAU KHI trừ tổng chi phí ban đầu của hợp đồng.

Quỹ liên kết đơn vị Dai-ichi

Sản phẩm An Thịnh Đầu Tư có 5 quỹ đơn vị nhỏ. Đó là các quỹ: Dẫn đầu, Tài chính năng động, Tăng trưởng, Phát triển và Bảo toàn. (mình sẽ nói chi tiết hơn về các quỹ này ở một bài viết khác).

Ở đây bạn chỉ cần hiểu rằng bạn được chọn đầu tư vào các quỹ này. Bạn có thể chỉ chọn một quỹ (như ví dụ trong bảng minh họa mẫu). Hoặc bạn có thể đầu tư vào nhiều quỹ khác nhau với tỷ lệ do bạn quyết định. (50-50, 30-70, hay 30-30-40… kiểu vậy).

Tiền đưa vào quỹ nào sẽ được đầu tư theo danh mục tài sản của quỹ đó. Tất nhiên là mức độ rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng của các quỹ này có sự khác nhau.

Trong ví dụ này, khách hàng chọn đầu tư 100% vào quỹ Tài chính năng động. Do đó bạn thấy toàn bộ tiền còn lại được đưa vào quỹ này (38.140 nghìn đồng.)

Giả sử khách hàng chọn đầu tư vào hai quỹ Dẫn đầu và Tài chính năng động với tỷ lệ 50-50. Khi đó mỗi quỹ này sẽ được phân bổ 19.070 nghìn đồng để đầu tư.

6. Phí bảo hiểm rủi ro sản phẩm chính An Thịnh Đầu Tư

Phí bảo hiểm rủi ro sản phẩm chính An Thịnh Đầu Tư

Quyền lợi bảo hiểm của sản phẩm chính An Thịnh Đầu Tư là quyền lợi tử vong. Và Phí bảo hiểm rủi ro sản phẩm chính ở đây chính là giá để mua quyền lợi đó.

Khách hàng còn trả được chi phí này thì còn được hưởng quyền lợi tử vong. Nếu không trả được thì không được hưởng. (hay đúng hơn là khi đó hợp đồng mất hiệu lực). Đơn giản vậy thôi.

Về cách tính, công thức chung sẽ là:

Phí bảo hiểm rủi ro = Số tiền bảo hiểm chịu rủi ro x Tỷ lệ chi phí bảo hiểm rủi ro

Với An Thịnh Đầu Tư, số tiền bảo hiểm chịu rủi ro chính là số tiền bảo hiểm gốc ban đầu. Trong ví dụ này số tiền bảo hiểm là 1.6 tỷ đồng.

Tỷ lệ chi phí bảo hiểm rủi ro thì lại không được công bố công khai. Trong Quy tắc điều khoản sản phẩm, công ty chỉ nói rằng:

“…Tỷ lệ chi phí bảo hiểm rủi ro sẽ căn cứ trên giới tính, tuổi hiện tại của Người được bảo hiểm và các nhóm tính phí khác.” Do đó mình sẽ không lấy được ví dụ như với các cột phí khác. Chúng ta sẽ dừng lại ở việc chấp nhận các con số trong bảng và hiểu được ý nghĩa của chúng thôi nhé.

7. Phí bảo hiểm rủi ro sản phẩm bổ sung

Phí bảo hiểm rủi ro sản phẩm bổ sung Daiichi

Công thức tính Phí BH rủi ro của sản phẩm bổ sung tương tự như với sản phẩm chính.

Phí bảo hiểm rủi ro = Số tiền bảo hiểm chịu rủi ro x Tỷ lệ chi phí bảo hiểm rủi ro

Các sản phẩm bổ sung bảo vệ trước các rủi ro khác nhau. Chẳng hạn như tai nạn, ốm đau, bệnh tật, bệnh hiểm nghèo…. Do đó tỷ lệ chi phí bảo hiểm rủi ro (và phí rủi ro) của chúng sẽ khác với sản phẩm chính.

Nhưng mà mình nghĩ các bạn sẽ quan tâm đến một vấn đề khác hơn. Đó là…

“Phí sản phẩm bổ sung có được tích lũy không?”

Có thể bạn đã nghe đâu đó rằng trong bảo hiểm, phí đóng của bổ sung là “phí rơi“. Tức là phí đó không được tích lũy.

Nhưng rồi bạn lại được tư vấn rằng Dai-ichi có tích lũy phí BH bổ sung.

Vậy cuối cùng thì phí bổ sung có được tích lũy hay không?

Để trả lời câu hỏi này, mình đã thử làm một bảng tổng hợp nhỏ như bên dưới. Bảng này chỉ dùng các thông tin phí đóng và chi phí của sản phẩm bổ sung. (dữ liệu trong bảng đều lấy từ bảng minh họa mẫu)

Về cơ bản, tổng phí đóng vẫn lớn hơn chi phí. Phần chênh lệch đó được đưa vào các quỹ đơn vị để được đầu tư và tạo thành giá trị quỹ. Vậy nên đúng là cũng có phần được tích lũy.

Có điều, nếu thực sự xét đến yếu tố tích lũy, nó có đáng để kỳ vọng hay không?

Cái này mình sẽ để bạn tự suy nghĩ và trả lời nhé.

8. Phí quản lý hợp đồng bảo hiểm An Thịnh Đầu Tư

Phí quản lý hợp đồng bảo hiểm An Thịnh Đầu Tư

Đây là chi phí tiền công ty thu để quản lý, cập nhật thông tin hợp đồng. Khoản này chỉ 45.000 đồng/tháng (540.000 đồng/năm) nên không có gì nhiều để nói.

Phí quản lý hợp đồng – cùng với phí rủi ro sản phẩm chính và sản phẩm bổ sung – đều được trừ đi hàng tháng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cách tính giá trị quỹ hợp đồng. Mình sẽ nói cụ thể hơn ở phần dưới.

9. Quyền lợi đảm bảo bảo hiểm An Thịnh Đầu Tư

Quyền lợi đảm bảo bảo hiểm An Thịnh Đầu Tư

Quyền lợi tử vong

Cột này thể hiện quyền lợi tử vong của sản phẩm chính An Thịnh Đầu Tư. Đây cũng chính là số tiền bảo hiểm của sản phẩm này.

Trong ví dụ mẫu, nếu khách hàng tử vong, công ty sẽ chi trả 1.6 tỷ đồng.

Quyền lợi bổ sung

Cột này thể hiện tổng quyền lợi của các sản phẩm bổ sung có trong hợp đồng.

Con số 6.8 tỷ đồng trong ví dụ này bao gồm:

  • BH Chăm sóc sức khỏe toàn cầu – Cao cấp: 1 tỷ đồng
  • Bảo hiểm tai nạn cao cấp: 5 tỷ đồng
  • BH Bệnh hiểm nghèo cao cấp toàn diện trả trước: 800 triệu đồng.

Tất nhiên đây là quyền lợi tối đa có thể được hưởng thôi nhé. Số tiền bồi thường thực nhận sẽ phụ thuộc vào sự kiện bảo hiểm thực tế xảy ra nữa.

10. Giá trị quỹ hợp đồng

Giá trị quỹ hợp đồng bảo hiểm An Thịnh Đầu Tư Dai-ichi

Cột này thể hiện số tiền tích lũy được của hợp đồng ở cuối năm tương ứng. NHƯNG với một điều kiện là tỷ suất đầu tư là một mức giả định.

Ví dụ, cuối năm thứ nhất, số tiền có trong hợp đồng của KH này là 20.807 nghìn đồng (hay 20,8 triệu đồng). Con số này chỉ đúng khi tỷ suất đầu tư trong năm là 9%/năm.

(Thông tin tỷ suất đầu tự dự kiến ở mức cao của Quỹ Tài chính năng động ở dòng trên cùng.)

Ngoài bảng này, bạn có thể thấy một bảng minh họa giá trị quỹ ở mức tỷ suất thấp nữa. Trong ví dụ này tỷ suất thấp là 0.5%/năm.

Tất nhiên, tỷ suất khác nhau sẽ dẫn đến giá trị quỹ (hay số tiền tích lũy được) cũng khác nhau. Chỉ có cách tính là giống nhau thôi.

Vậy thì…

Giá trị quỹ hợp đồng được tính như thế nào?

Để mình lấy ví dụ. Bảng bên dưới thể hiện cách tính giá trị quỹ hợp đồng ở năm HĐ đầu tiên.

Tính giá trị quỹ hợp đồng bảo hiểm An Thịnh Đầu Tư Dai-ichi
Tính giá trị quỹ hợp đồng bảo hiểm An Thịnh Đầu Tư Dai-ichi
Cột 1: Tháng hợp đồng

Bạn còn nhớ Phí quản lý HĐ và Phí BH rủi ro được trừ đi hàng tháng chứ?

Điều này khiến giá trị quỹ thay đổi hàng tháng. Do đó, để tính chính xác thì chúng ta cần chia nhỏ ra 12 tháng.

Cột 2: Phí BH được phân bổ vào Quỹ Tài chính năng động

Chúng ta đã tính được số này ở phần trên. Trong bảng minh họa, công ty làm tròn thành 38.140 nghìn đồng.

Cột 3: Giá trị quỹ đầu tháng

Giá trị quỹ đầu tháng thứ nhất chính là phí BH được phân bổ vào quỹ. (trong ví dụ là 38.139.500 đồng). Ở các tháng tiếp theo, Giá trị quỹ đầu tháng bằng giá trị quỹ cuối tháng liền trước.

Cột 4: Phí quản lý hợp đồng.

Mỗi tháng trừ 45.000 đồng. Một năm là 540.000 đồng.

Cột 5: Phí bảo hiểm rủi ro sản phẩm chính

Phí rủi ro của năm đầu tiên là 2.272.000 đồng -> 189.333 đồng/tháng

Cột 6: Phí bảo hiểm rủi ro sản phẩm bổ sung

Phí rủi ro của năm đầu tiên là 17.000.000 đồng -> 1.416.667 đồng/tháng

Cột 7: Tỷ suất đầu tư giả định

Trong ví dụ minh họa, tỷ suất giả định là 9%/năm. Quy đổi theo tháng sẽ là: ~0.72%/tháng.

Do lãi/lỗ hàng tháng được cộng vào giá trị quỹ để tiếp tục đầu tư ở tháng tiếp theo. Vậy nên chúng ta không tính theo kiểu lãi đơn (9%/12= 0.75%/tháng).

Cột 8: Giá trị quỹ cuối tháng

Công thức tính như sau:

Giá trị quỹ cuối tháng = (Giá trị quỹ đầu tháng – Phí quản lý hợp đồng – Phí BH rủi ro SP chính – Phí BH rủi ro SP bổ sung) x (1 + Tỷ suất đầu tư tháng)

-> Giá trị quỹ cuối tháng đầu tiên = (38.139.500 – 45.000 – 189.333 – 1.416.667) x (1 + 0,72%) = 36.751.484 đồng.

Tiếp tục với tháng thứ hai:

Giá trị quỹ đầu tháng thứ hai = Giá trị quỹ cuối tháng đầu tiên = 36.751.484 đồng.

-> Giá trị quỹ cuối tháng thứ hai = (36.751.484 – 45.000 – 189.333 – 1.416.667) x (1 + 0.72%) = 35.353.465 đồng.

Tính toán tương tự với các tháng tiếp theo.

Cuối cùng chúng ta sẽ có Giá trị quỹ cuối tháng thứ 12 là 20.806.935 đồng. Đây cũng chính là Giá trị quỹ cuối năm hợp đồng thứ nhất. (bảng minh họa làm tròn thành 20.807 nghìn đồng)

Vậy là về cơ bản bạn đã hiểu cách tính giá trị quỹ trong bảng minh họa rồi phải không?

Đó mới là năm đầu tiên thôi. Để xem dòng tiền các năm tiếp theo thì cần một phiên bản khác đầy đủ hơn. Bạn có thể tham khảo thêm ở link bên dưới.

File excel dòng tiền bảo hiểm An Thịnh Đầu Tư Dai-ichi

Nói sơ qua một chút thì file này có thể thể hiện dòng tiền của cả 20 năm như BMH mẫu. Bao gồm cả cách tính khoản thưởng duy trì hợp đồng.

Ngoài ra, bạn còn có thể biết được dòng tiền khi thay đổi (các) yếu tố liên quan.

  • Tỷ suất đầu tư: Nếu tỷ suất là 5%, 7% hay 10%/năm… thì dòng tiền sẽ thế nào?
  • Tỷ lệ đầu tư vào các quỹ đơn vị: nếu chọn đầu tư vào nhiều quỹ (thay vì một quỹ duy nhất) thì sao?
  • Đóng phí ít hơn so với kế hoạch thì giá trị quỹ ảnh hưởng như thế nào?
  • Tạm ngưng đóng phí trong một số năm?
  • Đầu tư thêm?…

Điểm hay nữa là bạn có thể biết được dòng tiền của chính hợp đồng bạn đang có. Đơn giản bằng cách nhập các thông tin cần thiết vào file.

Mình đã có hướng dẫn chi tiết trong bài đó. Bạn hãy thử đọc xem nhé.

Tóm tắt Minh họa phân bổ phí bảo hiểm An Thịnh Đầu Tư Dai-ichi

Có rất nhiều thông tin trong bảng này. Nếu chỉ nhớ được một điều thì bạn hãy nhớ điểm sau.

Tiền đóng vào không được tích lũy toàn bộ, mà bị trừ đi các loại chi phí khác.

Điều này khiến số tiền nhận về có thể ít hơn phí đóng. Đặc biệt là ở những năm đầu tiên.

Ở bài tiếp theo về Minh họa quyền lợi bảo hiểm, chúng ta sẽ bàn về các câu hỏi phổ biến:

  • Sau 5 năm, 10 năm, 15 năm nhận về bao nhiêu tiền?
  • Sau bao lâu thì hoàn vốn?

Hẹn gặp lại bạn ở bài tới nhé.


Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời Linh một ly cà phê nhé!

Leave a Comment