Chào bạn. Đây là bài viết đầu tiên về chủ đề Phân tích sản phẩm bảo hiểm Món Quà Tương Lai (Manulife). Chủ đề này gồm ba phần chính trong bảng minh họa sản phẩm.
- Phần 1: Thông tin hợp đồng bảo hiểm
- Phần 2: Minh họa phí bảo hiểm và chi phí
- Phần 3: Minh họa quyền lợi bảo hiểm
Bài viết đầu tiên này sẽ giải đáp các thắc mắc phổ biến như:
- Tại sao thời hạn hợp đồng lại dài như vậy?
- Có phải tham gia đến hết hạn hợp đồng?
- Thời gian đóng phí là bao nhiêu năm?
Thông tin hợp đồng bảo hiểm Món Quà Tương Lai Manulife
Mỗi hợp đồng bảo hiểm sẽ có sản phẩm chính và sản phẩm bổ trợ. Mình sẽ lần lượt nói về các điểm chính có trong hai loại bảo hiểm này.
1. Sản phẩm bảo hiểm chính Món Quà Tương Lai Manulife
1.1. Thời hạn bảo hiểm Món Quà Tương Lai
Trong ví dụ này, thời hạn bảo hiểm (hay thời hạn hợp đồng) là 64 năm. Nếu so sánh với hợp đồng của mình, bạn sẽ thấy con số khác. Có thể thấp hoặc cao hơn 64 năm. Nhưng chắc nó cũng khá dài, đúng không?
Tạm thời chưa bàn đến chuyện có phải theo hết chừng đấy năm hợp đồng không. Cái đó mình sẽ giải thích chi tiết hơn ở phần dưới.
Trước hết hãy xem làm sao công ty tính ra thời hạn hợp đồng siêu dài như vậy đã.
Thời hạn hợp đồng được tính như thế nào?
Manulife định nghĩa Thời hạn hợp đồng như sau:
Sử dụng công thức đơn giản hơn thì:
Thời hạn hợp đồng = Tuổi tối đa kết thúc hợp đồng – Tuổi khi tham gia hợp đồng
(Cả hai thông tin này đều là của người được bảo hiểm)
Trong ví dụ này, khách hàng A tham gia khi 35 tuổi.
Tuổi tối đa kết thúc hợp đồng của sản phẩm này là 99 tuổi. Nói cách khác, với sản phẩm này khách hàng quá 99 tuổi thì không được bảo vệ nữa.
(Quy định là vậy. Còn có muốn hay có thể theo được đến đó hay không còn tùy vào khách hàng.)
Như vậy, thời hạn hợp đồng của anh A là: 99 – 35 = 64 năm.
Công thức này cũng giải thích được vì sao thời hạn hợp đồng của bạn lại là con số khác. Đó là vì tuổi khi tham gia của bạn khác với anh A trong ví dụ trên.
Chẳng hạn, nếu bạn mua hợp đồng năm 30 tuổi thì thời hạn hợp đồng sẽ là 99 – 30 = 69 năm.
Vậy thì…
Có phải theo hết thời hạn hợp đồng mới được nhận tiền về?
Theo điều khoản về quyền lợi đáo hạn, bạn sẽ nhận tiền về vào ngày đáo hạn hợp đồng.
Trong đó, ngày đáo hạn hợp đồng là “ngày cuối cùng của Thời Hạn Hợp Đồng và được ghi nhận tại Trang Hợp Đồng nếu Hợp Đồng còn hiệu lực đến thời điểm đó.”
Nói cách khác, nếu muốn nhận tiền đáo hạn thì bạn phải theo hết thời hạn hợp đồng. Tức là phải sống đến 99 tuổi đó.
Nhưng đó không phải là cách duy nhất để nhận tiền về. Bởi vì bạn cũng có quyền nhận tiền về TRƯỚC HẠN.
Quyền hủy bỏ hợp đồng trước hạn
Điều khoản này được quy định cụ thể như sau:
(Điều 13, Chương III – Các quyền của bên mua bảo hiểm – Quy tắc điều khoản sản phẩm Món Quà Tương Lai Manulife)
Như vậy, bạn không nhất thiết phải theo hợp đồng đến 99 tuổi. Ngược lại, bạn có có quyền dừng hợp đồng bất cứ khi nào bạn muốn. Miễn là khi đó hợp đồng vẫn đang còn hiệu lực.
Dừng hợp đồng sớm nhận về bao nhiêu tiền?
Khi hủy hợp đồng ở thời điểm nào, bạn sẽ nhận về Giá trị hoàn lại tại thời điểm đó.
Giá trị hoàn lại là:
- số tiền thực tế tích lũy được trong hợp đồng, và
- đã trừ hết các chi phí liên quan tính đến lúc dừng hợp đồng.
Ở bài 3 – Minh họa quyền lợi bảo hiểm – mình sẽ nói thêm về Giá trị hoàn lại. Còn ở thời điểm này, bạn chỉ cần nhớ rằng:
- Giá trị hoàn lại KHÔNG phải là tổng phí đã đóng. Không phải là bạn dừng, không “chơi” nữa thì công ty trả lại tiền bạn đóng trước đó đâu.
- Giá trị hoàn lại thực tế KHÔNG phải con số trong bảng minh họa. Số tiền bạn thấy trong bảng minh họa chỉ để minh họa. Nó không phải là số tiền công ty cam kết sẽ trả.
Đọc thêm: Dừng hợp đồng Manulife nhận về bao nhiêu tiền?
Dừng hợp đồng sớm có mất phí phạt không?
Bạn sẽ chịu thêm một khoản phí phạt nếu hủy hợp đồng trong 7 năm đầu tiên. Quy định cụ thể như sau:
Ví dụ: Phí bảo hiểm cơ bản 15 triệu đồng/năm. Bạn dừng hợp đồng ở năm thứ 5.
-> Chi phí hủy hợp đồng trước hạn = 15 triệu x 30% = 4.5 triệu đồng.
Khi đó số tiền bạn nhận về (hay Giá trị hoàn lại) sẽ là Giá trị tài khoản hợp đồng tại thời điểm dừng TRỪ đi 4.5 triệu đồng.
Nếu giá trị tài khoản HĐ năm thứ 5 là 16 triệu đồng thì Số tiền nhận về = 16 – 4.5 = 11.5 triệu đồng.
1.2. Thời hạn đóng phí bảo hiểm Món Quà Tương Lai Manulife
Bảng Thông tin hợp đồng phía trên chỉ thể hiện mức phí đóng (15 triệu đồng/năm). Nó không thể hiện thời hạn đóng phí của hợp đồng này.
Nhưng trong hợp đồng của bạn, có thể bạn sẽ thấy thời hạn đóng phí dài như thời hạn hợp đồng.
Vậy thì câu hỏi ở đây sẽ là….
Phải đóng phí bao nhiêu năm?
Và một câu hỏi liên quan nữa là: Có phải đóng phí hết thời hạn hợp đồng?
Trong quy tắc điều khoản, Manulife quy định thời hạn đóng phí như sau:
(Điều 17, Chương V – Phí bảo hiểm, các khoản phí – Quy tắc điều khoản sản phẩm Món Quà Tương Lai Manulife)
Như vậy tức là bạn không cần phải đóng phí cả mấy chục năm như thời hạn hợp đồng. Con số đó nên được hiểu là thời gian tối đa bạn có thể đóng phí.
Trong thực tế, công ty chỉ yêu cầu đóng phí bắt buộc trong 3 năm đầu tiên. Từ năm thứ 4, bạn có thể đóng phí linh hoạt. Linh hoạt ở đây là có thể đóng ít hơn hoặc không đóng.
Nhưng việc đóng phí linh hoạt sẽ có ảnh hưởng đến hợp đồng.
Ảnh hưởng đến giá trị tài khoản hợp đồng
Giá trị tài khoản chính là số tiền tích lũy được trong hợp đồng. Nó được tạo nên từ một phần của phí bạn đóng vào. Khi bạn đóng phí ít hơn (hoặc không đóng) thì phần tiền được tích lũy cũng ít hơn. Điều này dẫn đến giá trị tài khoản cũng bị giảm theo.
Ảnh hưởng đến quyền lợi bảo hiểm
Bạn sẽ được bảo vệ khi hợp đồng còn có hiệu lực. Mà hợp đồng có hiệu lực khi bạn trả đầy đủ các chi phí cho phần bảo hiểm. (mình sẽ nói thêm về chi phí bảo hiểm ở bài 2)
Hàng tháng, công ty sẽ trừ các chi phí bảo hiểm từ giá trị tài khoản hợp đồng. Mà như vừa nói ở trên, đóng phí linh hoạt làm ảnh hưởng (thường là giảm) giá trị tài khoản. Hai điều này khiến giá trị tài khoản càng giảm nhanh hơn.
Khi giá trị tài khoản giảm về 0, hợp đồng sẽ mất hiệu lực. Tức là lúc này bạn sẽ không còn được bảo vệ nữa.
Vậy nên, bạn hãy lưu ý điều này khi muốn đóng phí linh hoạt với hợp đồng của mình nhé.
Đọc thêm: (Excel) Dòng Tiền Bảo Hiểm Món Quà Tương Lai Manulife 2024
2. Sản phẩm bảo hiểm bổ trợ Manulife
Bạn có quyền chọn mua các sản phẩm bổ trợ kèm trong hợp đồng chính Món Quà Tương Lai. Do đó, hợp đồng của bạn có thể có những sản phẩm bổ trợ khác so với ví dụ này.
Ở phần này, mình không phân tích chi tiết từng sản phẩm bổ trợ. Mình sẽ chỉ nói những điểm chung cần lưu ý.
Loại sản phẩm bảo hiểm bổ trợ
Manulife chia các sản phẩm bổ trợ thành hai loại khác nhau:
Trong ví dụ trên, Sống Khỏe Mỗi Ngày là một sản phẩm bổ trợ nhóm B. Tức là phí đóng của nó không ảnh hưởng đến giá trị tài khoản hợp đồng.
Thời hạn bảo hiểm bổ trợ
Mỗi sản phẩm bổ trợ có thời hạn bảo hiểm riêng. Công ty có thể quy định theo độ tuổi kết thúc bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm tối đa của sản phẩm.
Ví dụ: thời hạn bảo hiểm của sản phẩm Sống Khỏe Mỗi Ngày sẽ kết thúc khi:
- hết thời hạn tối đa 20 năm, hoặc
- người được bảo hiểm đạt 70 tuổi, hoặc
- kết thúc thời hạn đóng phí của sản phẩm chính.
Lưu ý về thời hạn bảo hiểm bổ trợ:
- Bạn có thể hủy sản phẩm bổ trợ nếu muốn bằng cách gửi văn bản cho Manulife.
- Công ty sẽ gia hạn bảo hiểm hàng năm với các sản phẩm bổ trợ. Việc có tiếp tục được tái tục hay không phụ thuộc vào quyết định của công ty. (ví dụ: công ty dừng bán sản phẩm bổ trợ đó). Do đó, thời hạn bảo hiểm ở trên nên hiểu là thời gian tham gia tối đa thôi.
- Khi sản phẩm chính Món Quà Tương Lai mất hiệu lực, cả hợp đồng cũng mất hiệu lực. Bao gồm cả các sản phẩm bổ trợ kèm theo trong hợp đồng.
Thời hạn đóng phí bảo hiểm bổ trợ
- Thời hạn đóng phí của sản phẩm bổ trợ bằng thời hạn bảo hiểm. Trong ví dụ trên, thời hạn đóng phí tối đa của sản phẩm Sống Khỏe Mỗi Ngày là 20 năm.
- Một số sản phẩm bổ trợ có phí đóng thay đổi theo độ tuổi.
Mức phí ở trang Thông tin hợp đồng là phí đóng của năm hợp đồng đầu tiên. Bạn nên xem biểu phí chi tiết theo năm để biết phí đóng các năm tiếp theo như thế nào.
Tóm Tắt Thông Tin Hợp Đồng Bảo Hiểm Món Quà Tương Lai Manulife
Có hai điểm quan trọng cần nhớ là:
- Thời hạn hợp đồng trong bảng minh họa (hay trong hợp đồng) là thời hạn tối đa. Bạn có thể dừng hợp đồng sớm bất kỳ khi nào bạn muốn. Nếu dừng trong 6 năm đầu tiên sẽ phải mất thêm phí phạt nhé.
- Thời hạn đóng phí bằng thời hạn hợp đồng. Nhưng bạn không bắt buộc phải đóng phí tất cả các năm. Bạn có thể đóng phí linh hoạt từ năm thứ 4. Nhưng sẽ có những ảnh hưởng kèm theo về cả mặt tích lũy và bảo vệ của hợp đồng.
Ở bài tiếp theo – Minh Họa Chi Tiết Phí Bảo Hiểm Và Các Chi Phí – chúng ta sẽ tìm hiểu về:
- Phí đóng vào bị trừ chi phí gì?
- Ý nghĩa và cách tính của các chi phí trong hợp đồng?
Hẹn gặp lại bạn ở bài tới.
Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời Linh một ly cà phê nhé!