Chào bạn.
Đây là bài cuối cùng về chủ đề đọc Bảng Minh Họa Bảo Hiểm Bộ Đôi Tài Sản 2.0 của FWD.
Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu về Minh họa quyền lợi bảo hiểm. Qua bảng này, bạn sẽ biết được:
- Dòng tiền (hay giá trị quỹ hợp đồng) trong bảng minh họa được tính toán như thế nào?
- Số tiền nhận về sau 5, 10, 15 năm… là bao nhiêu?
Trong trường hợp bạn chưa biết, ở chủ đề này, mình phân tích ba phần chính có trong bảng minh họa sản phẩm. Bao gồm:
- Phần 1: Thông tin chung về sản phẩm bảo hiểm
- Phần 2: Minh họa phân bổ phí bảo hiểm
- Phần 3: Minh họa quyền lợi bảo hiểm
Bạn có thể bấm vào từng phần để đọc lại các bài trước nhé.
Minh họa quyền lợi bảo hiểm FWD Bộ Đôi Tài Sản 2.0
Đây chính là bảng minh họa quyền lợi bảo hiểm sản phẩm chính.
Bảng này minh họa các quyền lợi ở mức tỷ suất đầu tư cao. Ngoài ra, bạn sẽ thấy một bảng tương tự nhưng ở mức tỷ suất đầu tư thấp.
Hai bảng này thể hiện dòng tiền của cả hợp đồng ở hai kịch bản đầu tư khác nhau. Có thể tạm hiểu là tốt và không tốt. (tốt – không tốt ở đây chỉ mang tính tương đối). Vì tỷ suất khác nhau nên giá trị dòng tiền ở hai bảng cũng khác nhau. Nhưng cách tính toán thì đều giống nhau nhé.
Ngoài hai bảng đó, bạn sẽ thấy có một số bảng khác nữa có dạng như sau.
Các bảng này minh họa chi tiết dòng tiền của từng quỹ đơn vị mà bạn đầu tư. Trong bài này mình sẽ không phân tích chi tiết minh họa của từng quỹ đơn vị.
Bạn hiểu rõ được các thông tin trong bảng minh họa tổng phía trên là cũng khá đủ rồi. Dù sao thì quan trọng nhất vẫn là con số tổng cuối cùng.
Giờ chúng ta lần lượt tìm hiểu từng cột trong bảng.
1. Tổng phí bảo hiểm được phân bổ
Ở bài trước, mình đã nói về khoản phí bảo hiểm được phân bổ này. Đây chính là số tiền thực tế được đưa vào quỹ để đầu tư.
Công thức tính sẽ là:
Tổng phí BH được phân bổ = Phí BH cơ bản + Khoản đầu tư thêm – Phí ban đầu
Để biết cụ thể cách tính toán các con số trong cột này, bạn hãy đọc lại bài Minh họa phân bổ phí bảo hiểm nhé.
2. Quyền lợi bảo hiểm đảm bảo FWD Bộ Đôi Tài Sản 2.0
Số tiền ở cột này được xác định như thế nào?
Cột này thể hiện số tiền bảo hiểm công ty chi trả trong trường hợp có rủi ro. Số tiền BH ban đầu là 2.55 tỷ đồng.
Trong 3 năm đầu tiên:
- Nếu người được bảo hiểm Tử vong hoặc Thương tật toàn bộ vĩnh viễn, công ty chi trả 2.55 tỷ đồng.
- Nếu người được bảo hiểm Tử vong hoặc Thương tật toàn bộ vĩnh viễn DO TAI NẠN, công ty chi trả thêm 100% STBH. Tức là thêm 2.55 tỷ đồng nữa.
-> Như vậy tổng số tiền bảo hiểm tối đa công ty chi trả là 5.1 tỷ đồng.
Từ năm thứ 4, số tiền bảo hiểm tự động tăng thêm 15%.
Số tiền bảo hiểm mới khi đó là: 2.550.000.000 x (1 + 15%) = 2.932.500.000 đồng (2.9325 tỷ đồng)
-> nếu NĐBH tử vong/thương tật toàn bộ vĩnh viễn DO TAI NẠN, số tiền bồi thường là:
2.932.500.000 x 2.932.500.000 = 5.865.000.000 đồng (5.865 tỷ đồng)
Sau đó, mỗi 3 năm số tiền bảo hiểm tiếp tục tăng thêm 15%. Vậy nên bạn sẽ thấy số tiền trong cột này tăng dần mỗi 3 năm tiếp theo.
“Đảm bảo” là chắc chắn được bồi thường số tiền như bảng?
Khách hàng này không chắc chắn được chi trả theo đúng số tiền như trong bảng. Có một số nguyên nhân như sau:
- Hợp đồng không còn hiệu lực
Điều này thoạt nghe thì khá hiển nhiên. Nhưng mình vẫn muốn nhắc lại để chắc chắn rằng bạn không quá tập trung vào từ “ĐẢM BẢO” mà quên đi ý này. Hợp đồng mất hiệu lực rồi thì có gặp rủi ro cũng không được chi trả đâu bạn nhé.
Hợp đồng thường mất hiệu lực trong hai trường hợp sau:
- Trong 3 năm đầu tiên, bạn không đóng phí đầy đủ trước thời gian gia hạn đóng phí.
- Từ năm thứ 4, khi giá trị quỹ hợp đồng không đủ thanh toán chi phí rủi ro và phí quản lý hợp đồng.
- Người được bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn KHÔNG do tai nạn
Trong trường hợp này, công ty chỉ chi trả số tiền bảo hiểm gốc.
Năm 1-3: 2.55 tỷ đồng
Năm 4-6: 2.9325 tỷ đồng
…
3. Tài khoản bảo hiểm
Giá trị tài khoản bảo hiểm hợp đồng là tổng giá trị tài khoản bảo hiểm của các quỹ đơn vị. Tức là, khi tính được giá trị từng quỹ, chúng ta sẽ tính được giá trị tài khoản BH của cả hợp đồng.
Mình sẽ lấy ví dụ cách tính với Quỹ Năng Động.
Giá trị tài khoản bảo hiểm năm đầu tiên của Quỹ Năng Động
Ở bài trước, mình đã chia sẻ rằng phí quản lý hợp đồng và phí BH rủi ro được khấu trừ theo tháng. Điều này khiến dòng tiền thay đổi theo tháng. Chính vì vậy chúng ta cần tính giá trị tài khoản BH của từng quỹ theo từng tháng.
Giá trị quỹ đầu tháng
Ở bài trước, chúng ta đã biết phí BH được phân bổ cho quỹ Năng Động ở năm đầu tiên là 450.000 đồng. Khoản tiền này tạo thành giá trị quỹ đầu tháng thứ nhất.
Ở các tháng tiếp theo, giá trị quỹ đầu tháng bằng giá trị quỹ cuối tháng liền trước.
Phí quản lý hợp đồng
Phí QLHĐ được khấu trừ hàng tháng theo tỷ lệ giá trị của từng quỹ.
Ở tháng thứ nhất, tỷ lệ này bằng đúng tỷ lệ phân bổ vào từng quỹ. (Quỹ Năng Động là 10%)
Tổng phí quản lý HĐ của tháng thứ nhất là 42.000 đồng.
-> Phí quản lý HĐ được khấu trừ từ Quỹ Năng Động là: 42.000 x 10% = 4.200 đồng.
Phí BH rủi ro
Giống phí QLHĐ, phí BH rủi ro cũng được khấu trừ hàng tháng theo tỷ lệ giá trị của từng quỹ.
Ở tháng thứ nhất, tỷ lệ giá trị của Quỹ Năng Động cũng bằng đúng tỷ lệ phân bổ vào từng quỹ. (bằng 10%)
Tổng phí BH rủi ro của năm đầu tiên là 6.408.000 đồng
-> Phí BH rủi ro của tháng thứ nhất là 6.408.000/12 = 534.000 đồng.
-> Phí BH rủi ro được khấu trừ từ Quỹ Năng Động là: 534.000 x 10% = 53.400 đồng.
Tỷ suất đầu tư
Trong ví dụ này, mình dùng mức tỷ suất đầu tư cao của Quỹ Năng Động là 9%/năm. Nhưng chúng ta cần quy đổi theo tỷ suất tháng để tính được giá trị tài khoản theo tháng.
Tỷ suất theo tháng sẽ là ~0.72%/tháng.
Giá trị quỹ cuối tháng
Về cơ bản, công thức tính là:
Giá trị quỹ cuối tháng = (Giá trị quỹ đầu tháng – Phí quản lý HĐ – Phí BH rủi ro) x (1 + Tỷ suất đầu tư tháng)
-> Giá trị quỹ cuối tháng 1 = (450.000 – 42.000 – 53.400) x (1 + 0.72%) = 395.228 đồng.
Tương tự như vậy với các năm tiếp theo.
Giá trị quỹ cuối tháng thứ 12 chính là giá trị tài khoản BH của Quỹ Năng Động ở năm thứ nhất. Con số tính toán được ở đây là ~ÂM 235 nghìn đồng.
Lạ đúng không? Nhất là khi bạn so sánh với bảng minh họa gốc.
Bảng minh họa gốc của công ty cho thấy Giá trị tài khoản bảo hiểm vào cuối năm thứ nhất là 0 đồng.
Lí do cho sự khác biệt này là vì công ty không thể (hoặc không muốn) hiển thị con số âm trong bảng minh họa. Làm vậy có thể khiến khách hàng có suy nghĩ rằng: “Đầu năm đóng phí cho công ty mà cuối năm lại thành nợ công ty là sao???”
Như thế rất không có lợi cho công ty, phải không?
Mặc dù, về bản chất đó cũng có thể coi là một khoản nợ thật. Nhất là khi chúng ta xem xét đến năm tiếp theo.
Giá trị tài khoản bảo hiểm năm thứ hai của Quỹ Năng Động
Ở năm thứ hai, phí bảo hiểm được phân bổ vào Quỹ Năng Động là 900.000 đồng.
Giá trị quỹ đầu tháng thứ nhất của năm thứ hai = Phí BH được phân bổ năm thứ hai + Giá trị quỹ cuối tháng 12 của năm thứ nhất
-> Giá trị quỹ đầu tháng thứ nhất của năm 2 = 900.000 + (-234.599) = 665.401 đồng.
Cách tính giá trị quỹ cuối tháng của năm 2 giống với năm 1 mà mình đã lấy ví dụ ở trên.
Đến cuối năm thứ 2 (cuối tháng 12 của năm 2), giá trị tài khoản bảo hiểm của quỹ Năng Động là 7.228 đồng.
Trong bảng minh họa gốc là 7 nghìn đồng. (công ty lấy đơn vị là hàng nghìn)
Và đó chính là cách tính toán giá trị tài khoản bảo hiểm của quỹ Năng Động. Làm tương tự như vậy với các quỹ khác và bạn sẽ có được Giá trị tài khoản bảo hiểm của cả hợp đồng.
Mình đã có một file excel tính toán chi tiết dòng tiền từng quỹ đơn vị của sản phẩm này. Bạn có thể đọc thêm ở bài viết bên dưới nhé.
File Excel Tính Toán Dòng Tiền Bảo Hiểm FWD Bộ Đôi Tài Sản 2.0 2024
4. Tài khoản đầu tư thêm
Giá trị tài khoản đầu tư thêm được hình thành từ khoản đầu tư thêm được phân bổ các quỹ.
Vì không có khoản chi phí nào bị khấu trừ hàng tháng, nên việc tính toán tài khoản đầu tư thêm đơn giản hơn so với tài khoản bảo hiểm.
Trong ví dụ trên, khách hàng chỉ đầu tư vào Quỹ Tích lũy. Số tiền đầu tư thêm được phân bổ vào quỹ này là: 98.000.000 đồng. (Đầu tư 100 triệu đồng và trừ 2 triệu đồng phí ban đầu)
Tỷ suất minh họa ở mức cao của Quỹ Tích lũy là 6%/năm.
-> Giá trị tài khoản đầu tư thêm cuối năm thứ nhất = 98.000.000 x (1+6%) = 103.880.000 đồng.
Năm thứ hai, khách hàng không đầu tư thêm.
-> Giá trị tài khoản đầu tư thêm cuối năm thứ hai = 103.880.000 x (1+6%) = 110.112.800 đồng.
(bảng minh họa làm tròn đến đơn vị nghìn đồng)
Tương tự như vậy, bạn sẽ tính được Giá trị tài khoản đầu tư thêm ở các năm tiếp theo.
5. Các khoản thưởng bảo hiểm Bộ Đôi Tài Sản 2.0
Có hai khoản thưởng trong sản phẩm Bộ Đôi Tài Sản 2.0:
- Thưởng duy trì hợp đồng
- Thời điểm nhận thưởng: Mỗi 3 năm liên tiếp từ năm 1 đến năm 18
- Số tiền thưởng: 3% giá trị bình quân của tài khoản bảo hiểm trong 36 tháng liên tiếp
- Thưởng bảo vệ đặc biệt
- Thời điểm nhận thưởng: Cuối năm hợp đồng thứ 10, thứ 15, thứ 20
- Số tiền thưởng: 100% tổng phí bảo hiểm rủi ro của mỗi giai đoạn xét thưởng
Về chi tiết điều kiện được hưởng hai khoản thưởng này, bạn hãy đọc thêm ở Quy tắc điều khoản sản phẩm.
Về cách tính, bạn có thể tham khảo thêm trong file excel mình đã chia sẻ ở trên nhé.
6. Giá trị quỹ hợp đồng bảo hiểm FWD Bộ Đôi Tài Sản 2.0
Khi đã hiểu và tính được 3 cột liền trước, bạn có thể dễ dàng hiểu được ý nghĩa các con số của cột này.
Giá trị quỹ hợp đồng = Tài khoản bảo hiểm + Tài khoản đầu tư thêm + Các khoản thưởng
Đây chính là tổng số tiền tích lũy được trong hợp đồng tại cuối mỗi năm tương ứng.
Ví dụ: cuối năm thứ 10, số tiền có trong hợp đồng là ~491 triệu đồng. Nhưng hãy nhớ rằng con số này được tính dựa trên mức tỷ suất giả định ở mức cao của tất cả các quỹ đơn vị.
7. Quyền lợi bảo hiểm minh họa sản phẩm FWD Bộ Đôi Tài Sản 2.0
Cột này thể hiện tổng số tiền (gia đình) khách hàng nhận về trong trường hợp tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn.
Quyền lợi bảo hiểm minh họa = Quyền lợi bảo hiểm đảm bảo + Giá trị quỹ hợp đồng
Tức là trong trường hợp xấu nhất, công ty sẽ chi trả cả hai khoản này.
Lưu ý rằng, Giá trị quỹ hợp đồng hiển thị trong bảng được tính toán đến cuối năm hợp đồng. Trong thực tế, số tiền chi trả sẽ là:
Quyền lợi bảo hiểm = Quyền lợi bảo hiểm đảm bảo + Giá trị quỹ hợp đồng tính đến thời điểm rủi ro
8. Giá trị hoàn lại bảo hiểm Bộ Đôi Tài Sản 2.0
Nếu cột trước cho biết số tiền nhận về khi khách hàng gặp rủi ro, thì cột này thể hiện số tiền khách hàng nhận về khi chủ động dừng hợp đồng sớm.
Trong 9 năm đầu tiên, Giá trị hoàn lại nhỏ hơn Giá trị quỹ hợp đồng. Lí do là vì dừng hợp đồng sớm trong khoảng thời gian này sẽ mất thêm phí hủy hợp đồng.
Giá trị hoàn lại = Giá trị quỹ hợp đồng – Phí hủy hợp đồng trước hạn
Quy định cụ thể về phí hủy hợp đồng trước hạn như sau:
Ví dụ: Ở năm hợp đồng thứ 4:
– Giá trị quỹ hợp đồng cuối năm 4 là 168.189.000 đồng.
– Phí bảo hiểm cơ bản năm thứ 4 là: 30.000.000 đồng.
– Phí hủy hợp đồng năm thứ 4 là: 90% x 30.000.000 = 27.000.000 đồng
-> Giá trị hoàn lại là: 168.189.000 – 27.000.000 = 141.189.000 đồng.
Dừng hợp đồng FWD Bộ Đôi Tài Sản 2.0 nhận về bao nhiêu tiền?
Đây có lẽ là thắc mắc phổ biến và cũng khó trả lời chắc chắn nhất. Độ chính xác của con số cuối cùng phụ thuộc vào thời điểm bạn dừng hợp đồng.
Dừng hợp đồng ngay lập tức
Nếu muốn biết số tiền nhận về khi dừng hợp đồng ngay lập tức, bạn hãy gọi hotline của công ty. Hoặc bạn có thể đăng nhập trang quản lý thông tin hợp đồng trên website FWD.
Con số bạn nhận được lúc này đã tính toán đến tỷ suất đầu tư thực nhận của các quỹ đơn vị. Vậy nên đó sẽ là con số gần chính xác nhất. (Không hoàn toàn 100%. Vì còn có thể có sự chênh lệch giá đơn vị quỹ giữa thời điểm bạn xem và ngày định giá ngay sau đó. Nhưng như vậy cũng là sát nhất rồi.)
Dừng hợp đồng trong tương lai
Nếu bạn dự định dừng hợp đồng trong 5, 8, 10, hay 15 năm… nữa, sẽ rất khó để biết trước được số tiền nhận về khi đó. Lí do là chúng ta không biết được tỷ suất đầu tư thực tế trong suốt thời gian đó sẽ như thế nào.
Theo mình, cách tốt nhất có thể là kỳ vọng một mức tỷ suất hợp lý và theo dõi kết quả thực tế của từng năm thôi.
Đọc thêm: Dừng hợp đồng FWD nhận về bao nhiêu tiền?
Như vậy là đã kết thúc ba bài viết về chủ đề đọc hiểu bảng minh họa bảo hiểm FWD Bộ Đôi Tài Sản 2.0. Hi vọng bạn sẽ tìm thấy những điều có ích.
Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời Linh một ly cà phê nhé!