Bảo hiểm không nhân văn

[buzzsprout episode=’6753166′ player=’true’]

Câu trả lời là KHÔNG.

Mình sẽ cho bạn biết vì sao, từ góc nhìn của 3 đối tượng trong bảo hiểm.

1. Công ty bảo hiểm

Công việc của họ là kinh doanh bảo hiểm. Hay cụ thể hơn là cung cấp dịch vụ bồi thường theo cam kết trong hợp đồng. Đổi lại họ được nhận phí bảo hiểm từ người mua.

Vậy nên, về bản chất, doanh nghiệp bảo hiểm không khác gì các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ở các lĩnh vực khác.

Chắc hẳn bạn không gọi dịch vụ tiết kiệm, thanh toán của ngân hàng là nhân văn. Vậy tại sao công ty kinh doanh dịch vụ bảo hiểm lại có thể nhân văn được?

Có một số đại lý đã khẳng định sự nhân văn của công ty BH như thế này mới hài hước. Hàng năm các lãnh đạo của công ty BH đều đi đền chùa cầu chúc cho khách hàng khỏe mạnh, không gặp rủi ro – như một cách thể hiện sự quan tâm đến khách hàng.

Ủa, chứ không lẽ họ cầu cho khách hàng nhanh die để họ còn được bồi thường và bớt bớt đi lợi nhuận?

Đúng là một hành động vừa được tiếng, vừa được miếng!

Tóm lại, công ty BH không dính dáng gì đến nhân văn cả.

2. Đại lý bảo hiểm

Đây là những người hay rao giảng về tính nhân văn của BH nhiều (và to) nhất. Mục đích chính tất nhiên là để thu hút sự quan tâm của bạn. Kiểu như “Người anh em thiện lành, hãy tin tôi, tôi đang làm điều tốt”.

Nhưng có một vấn đề: điều họ làm không hề nhân văn.

Một đại lý tư vấn và phân phối sản phẩm (bảo hiểm), và được trả công (hoa hồng) cho việc đó thì sao có thể gọi là nhân văn???
Họ nói rằng kế hoạch tài chính (gói bảo hiểm) họ thiết kế sẽ giúp bảo vệ tài chính gia đình bạn trước mọi biến cố của cuộc sống. Vậy nên nó ắt hẳn phải nhân văn!

Vậy một nhân viên tín dụng ngân hàng tư vấn một gói vay cho một doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh, nâng cao mức lương thưởng của hàng ngàn công nhân viên;

Hay một thần lô thánh đề báo mộng cho bạn một con số giúp bạn trở thành tỷ phú VND ngay sau 6h chiều.

Liệu họ có đang làm những điều nhân văn không?

3. Người tham gia bảo hiểm

Nếu có một điều gì đó đáng được gọi là nhân văn trong bảo hiểm, thì đó chính là hành động tham gia bảo hiểm của người mua và người được bảo hiểm. Hãy chú ý, mình nói là ‘hành động tham gia nhân văn’ chứ không phải ‘bảo hiểm nhân văn’).

Vì sao à?

Việc tìm hiểu bảo hiểm thể hiện rằng người mua hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của họ đối với những người phụ thuộc. Cụ thể là trách nhiệm hàng tháng mang tiền về nhà cung cấp cho vợ/chồng, con cái, bố mẹ già…

Và không chỉ hiểu, họ thực sự hành động cụ thể – mua bảo hiểm – để chuẩn bị cho điều xấu nhất có thể xảy ra.

Chính hành động đó mới xứng với từ nhân văn.

Tất nhiên bạn vẫn có thể chuẩn bị theo cách khác, như hàng ngày mua vietlott. Bảo hiểm nhân thọ chỉ là một công cụ (khá chắc chắn) để hiện thực hóa hành động nhân văn của bạn mà thôi.

4. Bonus: Giá trị của bảo hiểm

Một số đại lý sau khi đọc 3 luận điểm trên đã nói rằng Bảo hiểm nhân văn vì giá trị mà nó mang lại. Khi được hỏi chính xác là giá trị gì thì câu trả lời là việc san sẻ rủi ro của số đông đối với số ít người không may. Hay nói cách khác, là nguyên lý “Số đông bù số ít” của bảo hiểm.

Tiếc rằng họ đã nhầm. Đó đơn giản chỉ là nguyên lý hoạt động của bảo hiểm, chứ chẳng dính dáng gì đến nhân văn cả.

Không có ai mua bảo hiểm để từ thiện, để san sẻ rủi ro cho người không may hơn. Khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ là vì chính bản thân và vì gia đình họ.

Mục đích của bảo hiểm từ xưa đến nay, đối với người mua, vẫn là phục vụ cho cá nhân (bảo vệ tài sản, sinh mạng…), chứ hoàn toàn không phải từ thiện cho bá tánh.

Vậy nên việc cứ nghe và lặp lại không suy nghĩ dăm ba lời phù phiếm văn vẻ của mấy diễn giả rồi vận 2 từ “nhân văn” vào bảo hiểm thì thật nực cười.

Tạm kết

Tóm lại, bảo hiểm không hề nhân văn. Và như mình vẫn nói, trong bảo hiểm, người làm (hành động nhân văn) thì không nói/không biết, còn người nói (quá nhiều về nhân văn) thì thực ra lại không làm.

Vậy nên, đừng tin những lời ca ngợi về tính nhân văn của bảo hiểm. Bởi nếu bạn đã/đang/sẽ tham gia bảo hiểm, chính bạn mới là người xứng đáng được khen ngợi.

Leave a Comment