Đa số khách hàng đã “lỡ” mua gói Tâm An Đầu Tư (Manulife) đều đang loay hoay với hợp đồng của mình. Từ khi viết bài và đăng video về sản phẩm này, nhiều khách hàng đã liên hệ với mình để nhờ tư vấn cách xử lý.
Bài viết/video này sẽ cung cấp cho bạn 04 phương án giải quyết. Hi vọng nó sẽ có ích gì đó cho bạn.
1. Giữ hợp đồng để được bảo hiểm
Giờ thì bạn đã biết bạn không tham gia một gói đầu tư có lãi suất cao hơn ngân hàng nào cả. Bạn bị đánh tráo khái niệm để mua một gói bảo hiểm.
Nhưng cũng vì đây là một gói bảo hiểm nên bạn có thể chuyển đổi mục đích – hay đúng hơn là trả về đúng chức năng – từ đầu tư thành bảo hiểm.
Nếu quyết định như vậy, bạn nên làm thêm 2 việc nữa. Đó là giảm phí cơ bản và mua thêm sản phẩm bổ trợ.
Giảm phí cơ bản
Các nhân viên ngân hàng/đại lý bảo hiểm ban đầu thường gọi đây là khoản cố định. (còn khoản linh hoạt chính là phí đóng thêm/đầu tư thêm không bắt buộc). Vấn đề là họ thường thiết kế phần phí cơ bản quá cao cho khách hàng. Có khi là 100% phí đóng được đưa vào phí cơ bản.
Mục đích chính là để họ được hưởng nhiều hoa hồng. (hoa hồng bảo hiểm được tính chủ yếu trên phí cơ bản). Nhưng điều này lại gây thiệt hại lớn cho khách hàng, vì các khoản chi phí bị khấu trừ cũng sẽ rất lớn. Chi tiết các loại chi phí bị trừ đi như thế nào thì bạn có thể xem lại bài viết/video sau nhé.
Tham khảo: Lưu ý khi mua bảo hiểm Tâm An Đầu Tư (Manulife) qua ngân hàng SCB
Do vậy, bạn nên giảm phí cơ bản xuống mức phù hợp với khả năng đóng phí trong dài hạn.
Lưu ý là giảm phí cơ bản thì số tiền bảo hiểm cũng giảm theo tương ứng. Vậy nên, bạn cũng cần cân nhắc để chọn số tiền bảo hiểm phù hợp với nhu cầu bảo vệ sinh mạng nhé.
Mua thêm sản phẩm bổ trợ
Nhân viên ngân hàng/bảo hiểm thường hạn chế gắn thêm các sản phẩm bổ trợ trong hợp đồng ban đầu. Điều này dễ hiểu vì ngay từ đầu họ không xác định và tư vấn rõ ràng cho bạn đây là hợp đồng bảo hiểm.
Do đó, phạm vi bảo hiểm của hợp đồng ban đầu sẽ rất nhỏ. Đa phần chỉ là quyền lợi bảo hiểm sinh mạng của sản phẩm chính Tâm An Đầu Tư. Nói nôm na là về mặt bảo hiểm, chỉ khi “lên thiên đàng” thì (gia đình) khách hàng mới được hưởng tiền bồi thường.
Dĩ nhiên, nếu mua bảo hiểm để được bảo vệ thì bạn cần nhiều quyền lợi hơn thế. Đó là lý do bạn cần mua thêm các sản phẩm bổ trợ:
- BH chăm sóc sức khỏe (hay thẻ sức khỏe): chi trả chi phí khám, nằm viện khi ốm đau, bệnh tật, phẫu thuật, tai nạn…
- Bảo hiểm bệnh hiểm nghèo (hay bệnh lý nghiêm trọng): chi trả khoản cố định theo giai đoạn bệnh
- Bảo hiểm tai nạn: chi trả khoản cố định theo tỷ lệ thương tật
- Trợ cấp nằm viện: chi trả khoản cố định theo số ngày nằm viện
Đánh giá
Phương án này phù hợp nhất nếu bạn thực sự có nhu cầu được bảo hiểm và chưa có hợp đồng thuần-bảo-hiểm nào khác.
2. Duy trì hợp đồng bảo hiểm đến khi hoàn vốn
Với cách này, bạn sẽ tiếp tục đóng phí đến khi giá trị tài khoản (hay số tiền có thể rút về) bằng với tổng phí đóng. Bạn có thể kết hợp cả việc giảm phí cơ bản từ năm hợp đồng thứ 2 xuống mức thấp hơn.
Đây là cách mà hầu hết khách hàng đều hỏi mình. Với họ thì tầm này không còn thiết gì đến đầu tư nữa. Hoàn được vốn về là tốt lắm rồi.
Nhưng đây cũng là cách mình ít khuyến khích làm nhất. Lý do chính là: bạn không biết trước được mất bao lâu để hoàn vốn. Đặc biệt nếu bạn chỉ duy trì đóng phí cơ bản và không đầu tư thêm.
Có thể là 7, 8 hay 10 năm, hoặc hơn thế. Nó phụ thuộc vào kết quả đầu tư của quỹ bạn chọn. Lãi (tỷ suất đầu tư) cao thì thời gian hoàn vốn ngắn hơn.
Nhưng vấn đề là không ai đảm bảo bạn sẽ nhận được lãi cao trong 10 năm (hoặc hơn) cả. Đừng quá tin vào lời tư vấn của đại lý/nhân viên ngân hàng. Manulife hay SCB không cam kết điều này đâu.
Đó là còn chưa tính đến yếu tố lạm phát hay chi phí cơ hội. Tức là khi hoàn được vốn (sau 8-10 năm) thì số tiền đó cũng không còn giữ được giá trị như bây giờ nữa.
Bởi vậy, với cá nhân mình, đây không phải là cách tốt để xử lý hợp đồng này.
3. Bỏ hợp đồng
Bỏ ở đây là chấm dứt hợp đồng, hoặc để hợp động tự hết hiệu lực. Bạn không đóng phí năm tiếp theo nữa và chấp nhận mất phí đóng năm đầu.
Với cách này, bạn không còn phải suy nghĩ, phải “lao tâm khổ tứ” về hợp đồng này nữa. Bạn cũng không còn liên quan gì tới Manulife hay SCB (về hợp đồng này).
Bạn sẽ chấp nhận “đau một lần rồi thôi”. Sau đó bạn có thể dành thời gian, tâm trí và tiền bạc (mà lẽ ra được dùng để đóng phí các năm tiếp theo) để làm những việc có ích khác.
Mình từng có khách hàng lựa chọn cách này. Khách hàng vì lo nghĩ đến hợp đồng mà xuống tinh thần, ngẩn ngơ làm việc tới mức chính chồng phải động viên bỏ hợp đồng. Tiền mất thì có thể kiếm lại được, nhưng tinh thần không ổn định thì hậu quả khó lường hơn nhiều.
Dù sao thì nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Mình chỉ khuyến khích bạn cân nhắc cách này sau khi đã xem xét cách 1 và cách 4 (sẽ nói chi tiết hơn ở phần sau).
4. Khiếu nại đòi hoàn phí
Đây là cách tốt nhất. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, hợp đồng sẽ bị hủy và bạn nhận lại toàn bộ số phí đã đóng.
Nhưng đây cũng là cách khó nhất.
Bằng chứng khiếu nại
Để khiếu nại thành công, bạn cần chứng minh được nhân viên ngân hàng/đại lý bảo hiểm đã tư vấn sai cho bạn ngay từ đầu. Bằng chứng này có thể là file ghi âm, nội dung trao đổi qua tin nhắn, email, giấy tờ…
Vấn đề là gần như chẳng ai có suy nghĩ làm những việc đó từ đầu cả.
Chắc chắn bạn không nghĩ rằng mình sẽ được tư vấn bảo hiểm khi bước chân vào ngân hàng. Bạn tin tưởng vào ngân hàng và mặc định rằng nhân viên ở đó sẽ tư vấn, giới thiệu sản phẩm (đầu tư/tiết kiệm) vì lợi ích của khách hàng.
Quá trình tư vấn sản phẩm chủ yếu là trao đổi miệng. Sau đó là ký hồ sơ và xuống tiền. Mọi thứ thường diễn ra rất nhanh.
Vậy nên khi phát hiện ra vấn đề, dù biết những gì được tư vấn là sai 100% thì bạn cũng không thể dùng những lời nói đó làm bằng chứng để khiếu nại được.
Thời gian giải quyết khiếu nại
Thậm chí, ngay cả khi có bằng chứng rõ ràng (như một đoạn tin nhắn trao đổi qua zalo), việc khiếu nại cũng không đơn giản. Quá trình này sẽ tốn khá nhiều thời gian và công sức của bạn.
Ngân hàng và công ty bảo hiểm có thể lấy lí do cần thời gian để xác minh thông tin. Thời gian xác minh còn kéo dài hơn nếu đại lý/nhân viên đó đã nghỉ việc. Rồi sau đó là hẹn gặp mặt ba bên, thuyết phục bạn giữ hợp đồng, rồi hứa hẹn giải quyết…
Với những vụ việc như thế này, thiện chí giải quyết vấn đề của ngân hàng và công ty bảo hiểm cũng góp phần không nhỏ.
Mình đã giúp được một số khách hàng khiếu nại thành công và đòi lại được phí đóng. (bao gồm cả trường hợp có hoặc không có bằng chứng rõ ràng). Thời gian giải quyết từ 1-4 tháng.
Nhưng tiếc là cũng có những case không thể đòi được.
Dù vậy, mình luôn nói với khách hàng, nếu có cơ hội thì cứ thử đã. Nếu không được, khách hàng vẫn có thể lựa chọn các cách khác sau cũng chưa muộn.
Tạm kết
Trên đây là 4 cách để bạn cân nhắc áp dụng với hợp đồng bảo hiểm Tâm An Đầu Tư. Hi vọng bạn có thể lựa chọn được một cách phù hợp nhất với mình. Hoặc nếu bạn có một phương án xử lý khác tốt hơn thì có thể chia sẻ với mình ở phần bình luận bên dưới nhé.
Nếu bạn muốn được tư vấn thêm, hãy inbox messenger cho mình hoặc nhắn tin Zalo (0969.45.54.64). Bạn cũng có thể điền thông tin vào form bên dưới, mình sẽ liên hệ lại cho bạn sớm nhất!
Tham khảo:
Bất thường trong hợp đồng bảo hiểm Tâm An Đầu Tư (Manulife – SCB)