Ở dòng sản phẩm BH liên kết chung UL, các loại chi phí được thể hiện tách bạch trên Bảng minh họa giúp khách hàng (KH) biết được phí BH đóng vào được phân bổ như thế nào. Trong đó, Chi phí bảo hiểm rủi ro là một trong những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến yếu tố bảo vệ và tích lũy của mọi HĐ BHNT.
Bài viết này giúp bạn hiểu rõ hơn về vai trò của CPBHRR.
1. Chi phí BH rủi ro là gì?
Chi phí bảo hiểm rủi ro là một phần trong phí BH đóng định kỳ. Đây là chi phí thực tế phải trả để DNBH bảo vệ cho bạn ở mức số tiền bảo hiểm nhất định.
Hay nói cách khác, CPBHRR là giá của các quyền lợi BH bạn (hoặc gia đình) có thể được nhận khi có rủi ro xảy ra.
Trong HĐ BHNT có giá trị tích lũy (Cash value life insurance), CPBHRR được khấu trừ giúp đảm bảo yếu tố bảo vệ và ảnh hưởng (giảm) đến giá trị tích lũy.
2. Cách tính CPBHRR cơ bản
CPBHRR = Tỷ lệ tử vong x Giá trị rủi ro thuần
(Cost Of Insurance = Mortality rate x Net Amount at Risk)
Trong đó:
- Tỷ lệ tử vong: được lấy từ Bảng tỷ lệ tử vong. Mỗi DNBH sẽ có Bảng tỷ lệ tử vong (gọi là Bảng tỷ lệ tử vong kinh nghiệm) được lập trên cơ sở số liệu thống kê riêng. Nhìn chung, tỷ lệ tử vong có xu hướng tăng theo độ tuổi và giới tính.
- Giá trị rủi ro thuần (Net Amount at Risk – NAR): là giá trị rủi ro thực tế mà DNBH phải trả cho Bên mua BH khi có rủi ro xảy ra với Người được BH. NAR bằng chênh lệch giữa Số tiền BH/Quyền lợi tử vong và Giá trị tài khoản tích lũy
NAR = Số tiền BH/Quyền lợi tử vong – Giá trị tài khoản
3. Có phải CPBHRR luôn tăng?
Nhìn chung, CPBHRR có xu hướng tăng theo độ tuổi (tỷ lệ tử vong tăng).
Bảng tỷ lệ tử vong cho thấy tỷ lệ tử vong tăng lên theo độ tuổi (và tỷ lệ của nam cao hơn của nữ).
Ví dụ: mỗi năm cứ trong 1000 người đàn ông 40 tuổi, trung bình có 3 người tử vong; đến năm 45 tuổi, số con số này tăng lên gần 5 người.
Tuy nhiên, CPBHRR vẫn có thể giảm dù độ tuổi của KH tăng hàng năm. Điều đó xảy ra khi Giá trị rủi ro thuần giảm.
Ví dụ: CPBHRR của một KH nam 50 tuổi:
Có thể thấy, dù Tỷ lệ tử vong tăng, nhưng CPBHRR vẫn giảm qua các năm, do Giá trị rủi ro thuần (hay số tiền bồi thường thực tế của DNBH) giảm.
Tuy nhiên, điều này không xảy ra khi KH lựa chọn Quyền lợi nâng cao, tức là DNBH chi trả cả Số tiền BH và Giá trị tài khoản. Trong trường hợp này, Giá trị rủi ro thuần (NAR) tại mọi thời điểm luôn cố định (bằng Số tiền BH). CPBHRR lúc này sẽ tăng do Tỷ lệ tử vong tăng.
Xem thêm về Quyền lợi cơ bản và Quyền lợi nâng cao tại đây.
4. Tại sao cần lưu ý về chi phí bảo hiểm rủi ro?
CPBHRR gây ảnh hưởng đến Giá trị tài khoản (số tiền tích lũy) và có thể dẫn đến mất hiệu lực HĐ khi GTTK bằng 0, đặc biệt ở hai trường hợp:
- Đóng phí linh hoạt:
KH đóng phí ít hơn hoặc không đóng phí theo kế hoạch -> Giá trị tài khoản giảm -> Giá trị rủi ro thuần tăng -> CPBHRR tăng -> Giá trị tài khoản tiếp tục giảm.
- Quyền tăng CPBHRR của DNBH:
Đây là điều khoản KH thường không để ý trong đa số các hợp đồng BH liên kết chung UL. Theo đó, DNBH được phép tăng CPBHRR nếu được Bộ Tài chính chấp thuận. KH có thể bỏ qua hoặc không để ý khoản tăng này vì nghĩ CPBHRR tăng theo độ tuổi là hợp lý.
5. Tạm kết
CPBHRR có ảnh hưởng trực tiếp đến yếu tố bảo vệ và tích lũy trong HĐ BHNT. Vậy nên việc hiểu và kiểm soát được chi phí này sẽ giúp KH đảm bảo được các mục tiêu bảo vệ/tích lũy khi tham gia BHNT.