Khi tìm hiểu về bảo hiểm nhân thọ, điều đầu tiên mà bạn – và nhiều người khác – quan tâm nhất chính là phí bảo hiểm:
- Tôi phải đóng bao nhiêu tiền?
- Công ty bảo hiểm dựa vào đâu để quyết định phí bảo hiểm?
- Làm thế nào để biết mức phí của tôi là hợp lý?
- Có cách nào tối thiểu phí đóng không?
Đây là những câu hỏi quan trọng. Việc hiểu rõ câu trả lời sẽ giúp bạn tránh được những sai lầm phổ biến liên quan đến phí bảo hiểm.
Bài viết này sẽ giúp bạn trả lời các câu hỏi trên.
Phí bảo hiểm là gì?
Là khoản tiền mà bạn – người mua bảo hiểm – trả cho công ty bảo hiểm để được nhận các quyền lợi khi sự kiện bảo hiểm xảy ra với người được bảo hiểm.
Bạn có thể đóng phí bảo hiểm theo định kỳ năm, nửa năm, quý, hoặc tháng.
Lưu ý: Việc quên/không đóng phí đúng hạn (đặc biệt là sau thời gian đóng phí) có thể khiến hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực. Điều này có nghĩa là công ty bảo hiểm sẽ không phải bồi thường nếu rủi ro xảy ra tại thời điểm này.
>> Xem thêm: Thời gian 60 ngày gia hạn đóng phí là gì?
Tôi phải đóng phí bao nhiêu?
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc xác định phí bảo hiểm như độ tuổi, số tiền bảo hiểm, loại sản phẩm, thời hạn bảo vệ, tình trạng sức khỏe, nghề nghiệp… (Tôi sẽ nói cụ thể hơn ở phần sau).
Chính vì các thông tin trên của mỗi người đều khác nhau nên sẽ không có một mức phí chung duy nhất nào có thể áp dụng cho tất cả mọi người.
Bạn có thể tính mức phí bảo hiểm dự kiến của mình bằng công cụ dưới đây:
Số tiền cần đóng ít hơn mức bạn nghĩ phải không? Bạn không phải là người duy nhất đâu. Các cuộc nghiên cứu cho thấy đa phần mọi người nghĩ rằng họ không có đủ tiền mua bảo hiểm và đánh giá quá cao mức phí thực tế.
Ngoài ra, hãy cùng xem hai biểu phí bảo hiểm tham khảo để giúp bạn dễ hình dung về mức phí cần đóng ở các độ tuổi và giới tính khác nhau.
Tất nhiên, xin nhắc lại, biểu phí trên không áp dụng cho tất cả các trường hợp, đặc biệt là với các sản phẩm bảo hiểm kết hợp đầu tư.
Ý của tôi ở đây là bạn có thể sở hữu một hợp đồng bảo hiểm để bảo vệ gia đình với mức phí hợp lý đến ngạc nhiên nếu được cung cấp đủ thông tin và được tư vấn đúng.
Các yếu tố ảnh hưởng đến phí bảo hiểm
Có 6 yếu tố chính tác động đến việc xác định phí bảo hiểm của bạn:
- Cách thiết kế gói bảo hiểm: Số tiền bảo hiểm, Thời hạn bảo vệ và thời hạn đóng phí, Loại sản phẩm, Sản phẩm bổ sung
- Độ tuổi
- Sức khỏe: Tình trạng sức khỏe của bạn và tiền sử bệnh của người thân
- Giới tính
- Nghề nghiệp
- Sở thích
Ảnh hưởng từ thiết kế gói bảo hiểm
1. Số tiền bảo hiểm
Phí bảo hiểm chịu ảnh hưởng lớn nhất từ số tiền bảo hiểm bạn cần mua.
Nhìn chung, số tiền bảo hiểm càng lớn thì phí đóng càng cao. Như biểu phí phía trên, phí bảo hiểm của một người ở bất kỳ độ tuổi nào cho mức bảo vệ 1 tỷ sẽ luôn lớn hơn phí của mức bảo vệ 500 triệu.
Tuy nhiên, đừng mua bảo hiểm chỉ cho có để tiết kiệm tiền. Số tiền bảo hiểm quá ít sẽ không giúp ích gì cho bạn khi cần thiết. Hãy thực sự dành thời gian suy nghĩ tại sao bạn cần có bảo hiểm nhân thọ. Sau đó tính toán chính xác số tiền bảo hiểm hợp lý để đáp ứng nhu cầu của mình
>> Xem thêm: Cách tính số tiền bảo hiểm cần mua
2. Thời hạn bảo vệ và thời hạn đóng phí
Yếu tố quan trọng tiếp theo là khoảng thời gian bạn muốn được bảo hiểm và thời gian đóng phí.
Ảnh hưởng của hai yếu tố này có chút khác biệt:
- Thời gian bảo vệ càng dài thì phí đóng càng cao và ngược lại
- Thời gian đóng phí càng dài thì phí đóng càng thấp và ngược lại
Với thời gian bảo vệ dài, xác suất người được bảo hiểm tử vong trong thời hạn hợp đồng sẽ cao hơn so với thời gian bảo vệ ngắn. Nghĩa là xác suất công ty bảo hiểm phải chi trả bồi thường cũng nhiều hơn. Họ sẽ bù đắp điều này bằng cách yêu cầu mức phí bảo hiểm cao hơn.
Trong trường hợp thời gian đóng phí ngắn hơn thời gian bảo vệ, phí đóng sẽ cao hơn (so với nếu thời gian đóng phí = thời gian bảo vệ). Bạn có thể đã nghe thấy lời quảng cáo kiểu như “chỉ cần đóng phí 15 năm mà được bảo vệ 25 năm (hay được bảo vệ miễn phí thêm 10 năm)”.
Không có gì miễn phí ở đây cả! Các chi phí của 10 năm sau đã được tính vào phí bảo hiểm của 15 năm đầu tiên (và làm phí phải đóng cao hơn so nếu bạn đóng phí 25 năm). Tôi gọi cách đóng phí này là khổ trước, sướng sau.
3. Loại sản phẩm chính
Về cơ bản, có hai loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với chính:
- Bảo hiểm nhân thọ không tích lũy
- Bảo hiểm nhân thọ có tích lũy
Phí đóng của loại bảo hiểm có tích lũy sẽ cao hơn so với BH tử kỳ do thời gian bảo vệ dài hơn và có kết hợp thêm yếu tố tích lũy.
Vậy nên nếu bạn chỉ cần bảo hiểm để bảo vệ thuần túy, BH tử kỳ (Term life) sẽ đáp ứng nhu cầu của bạn với chi phí thấp nhất. Còn nếu bạn muốn nhận lại tiền khi đáo hạn hoặc hủy hợp đồng, hãy chuẩn bị tinh thần để đóng phí cao hơn.
Lưu ý: Bảo hiểm hỗn hợp có cả yếu tố tích lũy và bảo vệ (thời hạn bảo hiểm cố định giống BH tử kỳ). Thường được biết đến dưới tên gọi sản phẩm bảo hiểm học vấn, bảo hiểm hưu trí.
4. Sản phẩm bổ sung
Là các sản phẩm được mua kèm (không bắt buộc) theo sản phẩm chính để gia tăng phạm vi bảo hiểm. Các sản phẩm bổ sung phổ biến:
- Bảo hiểm tử vong và thương tật do tai nạn
- Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe (nằm viện, phẫu thuật, thai sản…)
- BH bệnh hiểm nghèo (ung thư…)
- Miễn thu phí khi Bên mua bảo hiểm tử vong, mắc bệnh hiểm nghèo
- Trợ cấp nằm viện
Việc lựa chọn thêm (các) sản phẩm bổ sung sẽ làm tăng tổng phí đóng của cả hợp đồng bảo hiểm.
Ảnh hưởng từ độ tuổi
Bạn càng lớn tuổi thì phí bảo hiểm phải đóng càng cao.
Theo thống kê của công ty bảo hiểm, độ tuổi càng lớn thì tỷ lệ tử vong càng cao. Điều này làm tăng chi phí bảo hiểm rủi ro đối với người được bảo hiểm. Chi phí bảo hiểm rủi ro là một phần cấu thành nên phí bảo hiểm. Vậy nên khi chi phí bảo hiểm rủi ro tăng thì phí bảo hiểm cũng sẽ tăng.
>> Xem thêm: Ảnh hưởng của chi phí bảo hiểm rủi ro trong bảo hiểm nhân thọ?
Tin vui là tất cả các sản phẩm tôi vừa đề cập phía trên đều cho phép bạn đóng một mức phí cố định trong suốt thời hạn hợp đồng. Nghĩa là phí bảo hiểm sẽ không tăng dù độ tuổi hay tình trạng sức khỏe thay đổi như thế nào.
Đây sẽ là một lợi thế cho những khách hàng trẻ tuổi muốn “khóa” mức phí đóng (thấp nhất) và điều kiện được bảo hiểm đến hết thời hạn bảo vệ (thậm chí là trọn đời).
Ảnh hưởng từ sức khỏe
Tương tự như yếu tố tuổi tác, sức khỏe của bạn càng tệ thì công ty bảo hiểm sẽ đánh giá xác suất tử vong sớm càng cao. Điều này làm chi phí bảo hiểm rủi ro cao hơn và cuối cùng làm tăng phí bảo hiểm.
Tất cả các công ty bảo hiểm đều có quy trình thẩm định về tình trạng sức khỏe của bạn, tiền sử bệnh bạn và của gia đình. Tùy trường hợp, công ty bảo hiểm có thể yêu cầu bạn đi khám để xác định chính xác mức độ rủi ro.
Một số yếu tố về sức khỏe có thể làm tăng phí bảo hiểm:
- Hút thuốc lá
- Huyết áp cao
- Hạ đường huyết
- Cholesterol cao
- Các bệnh liên quan đến tim
- Tiểu đường
- Bệnh mãn tính
- Tình trạng bệnh có trước
Lưu ý: Mỗi công ty bảo hiểm có phương pháp đánh giá rủi ro khác nhau. Mức phí bảo hiểm của một công ty bảo hiểm này có thể không giống với các bên khác. Hãy đề nghị báo giá từ nhiều công ty để lựa chọn được một mức phí phù hợp nhất.
Ảnh hưởng từ giới tính
Giới tính cũng có ảnh hưởng đến phí bảo hiểm. Theo thống kê, phụ nữ sống lâu hơn đàn ông và tỷ lệ tử vong thấp hơn ở cùng độ tuổi. Chính vì vậy, khi tất cả các yếu tố khác đều như nhau thì khách hàng nữ sẽ phải đóng phí ít hơn khách hàng nam.
Ảnh hưởng nghề nghiệp
Công ty bảo hiểm chia khách hàng thành 5 nhóm nghề nghiệp khác nhau với mức độ rủi ro khác nhau. Từ những nhân viên văn phòng chịu ít rủi ro, đến tài xế Grab rủi ro hơn hay thậm chí phi công máy bay trực thăng (người thường bị từ chối bảo hiểm).
Tóm lại, nghề nghiệp càng rủi ro (theo đánh giá của công ty bảo hiểm) thì phí bảo hiểm càng cao.
Ảnh hưởng từ sở thích
Nếu bạn có sở thích chơi các trò như nhảy bungee, nhảy dù, đua xe…, bạn sẽ phải đóng phí bảo hiểm nhiều hơn người bình thường.
Vì sao à? Các hoạt động mạo hiểm (dù vui) có thể khiến bạn “đi” bất cứ lúc nào. Rủi ro mất sớm vì lí do này là cơ sở để công ty bảo hiểm yêu cầu tăng phí.
Phân bổ phí bảo hiểm
Phí bảo hiểm đóng vào được sử dụng để thanh toán nhiều chi phí khác nhau:
- Các chi phí ban đầu: chủ yếu gồm chi phí phân phối sản phẩm, thẩm định hồ sơ, hoa hồng của đại lý.
- Chi phí quản lý hợp đồng: là chi phí giúp duy trì, cập nhật thông tin hợp đồng bảo hiểm.
- Chi phí bảo hiểm rủi ro: là giá của các quyền lợi bảo hiểm khi rủi ro xảy ra.
Lưu ý: các chi phí này được minh họa rõ ràng trong hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư (BH liên kết chung UL, BH liên kết đơn vị ILP). Với các sản phẩm bảo hiểm truyền thống, chúng thường bị ẩn đi. Bạn có thể không nhìn thấy, nhưng về bản chất, cơ chế phân bổ phí vẫn tương tự nhau.
Ngoài ra, có một số chi phí khác bạn sẽ gặp trong hợp đồng bảo hiểm như: chi phi rút tiền, chi phí quản lý quỹ, lãi vay từ Giá trị hoàn lại của hợp đồng, chi phí hủy hợp đồng. Các chi phí này được khấu trừ từ Giá trị hoàn lại/giá trị tài khoản của hợp đồng (được tích lũy từ một phần phí đóng vào).
7 cách giúp tiết kiệm phí bảo hiểm
1. Chọn đúng loại sản phẩm bảo hiểm
Dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trên thị trường. Nhưng nếu bạn không muốn đầu tư bằng kênh bảo hiểm, thì UL (Bảo hiểm liên kết chung) hay ILP (Bảo hiểm liên kết đơn vị) không phải là sự lựa chọn tốt.
Thay vào đó, bạn có thể tiết kiệm 50-100% phí đóng khi mua Bảo hiểm tử kỳ (Term) nếu nhu cầu của bạn chỉ là bảo vệ thuần túy.
Ngoài ra, sản phẩm bảo hiểm tử kỳ của một số công ty còn cho phép chuyển đổi sang các loại sản phẩm khác (UL, ILP) nếu sau này nhu cầu bảo hiểm của bạn có thay đổi.
2. Mua đúng mức bảo hiểm
Đừng lựa chọn số tiền bảo hiểm một cách ngẫu nhiên (hay vì bạn của bạn cũng mua như thế). Hãy nhớ rằng số tiền bảo hiểm càng lớn thì mức phí bạn cần đóng càng cao. Thực tế, có không ít trường hợp khách hàng tham gia với mệnh giá bảo vệ rất cao ban đầu. Nhưng sau đó vài năm họ phải bỏ dở hợp đồng vì không theo được phí. Đó là một sự lãng phí vô cùng lớn.
Vậy nên, trước khi tham gia bảo hiểm, hãy dành thời gian để tính đúng số tiền bảo hiểm. Chỉ mua đúng mức gia đình bạn cần.
Hãy sử dụng công cụ tính toán để xác định số tiền bảo hiểm tại đây.
3. Mua bảo hiểm càng sớm càng rẻ
Phí bảo hiểm của bạn NGAY tại thời điểm bây giờ đang ở mức rẻ nhất. Vì sao à? Như đã nói ở trên, phí bảo hiểm tăng theo độ tuổi. Và tính đến cuối đời, bây giờ – ngay lúc này – bạn đang ở độ tuổi “trẻ” nhất.
Ngoài ra, tham gia bảo hiểm sớm giúp “khóa” phí cần đóng ở mức cố định. Điều này có nghĩa là trong vòng 15-20 năm (tùy thời hạn), phí bảo hiểm của bạn sẽ không tăng dù độ tuổi và tình trạng sức khỏe của bạn có thay đổi.
4. Đóng phí theo định kỳ năm
Một số công ty bảo hiểm yêu cầu mức phí cao hơn nếu bạn đóng phí theo định kỳ nhỏ hơn năm (nửa năm, quý, tháng). Hãy kiểm tra điều này.
5. Bỏ hút thuốc lá
Hút thuốc lá làm phí bảo hiểm tăng (ít nhất) 10%.
Nếu bạn đã tham gia bảo hiểm và đã bỏ thuốc lá gần đây, hãy liên hệ với công ty bảo hiểm. Họ có thể đánh giá lại mức rủi ro của bạn và (biết đâu) đồng ý giảm phí đóng. Lưu ý: bạn có thể cần phải đi khám sức khỏe lại.
6. Đề nghị thẩm định lại khi có thay đổi về…
- Sức khỏe: Nếu bạn thừa cân khi bắt đầu tham gia bảo hiểm, bạn sẽ phải trả mức phí cao hơn thông thường. Tuy nhiên, nếu bạn có thể cải thiện cân nặng về mức tiêu chuẩn, hãy đề nghị công ty bảo hiểm đánh giá lại mức rủi ro của bạn. Kết quả có thể là một mức phí rủi ro giảm. Điều này cũng áp dụng với hầu hết các bệnh có sẵn.
- Nghề nghiệp: Từ bỏ nghề tài xế để chuyển sang làm công việc văn phòng có thể giúp giảm mức rủi ro và phí bảo hiểm cần đóng.
- Sở thích: Bạn không còn muốn nhảy bungee hay bất kỳ trò chơi mạo hiểm nào nữa? Hãy liên hệ với công ty bảo hiểm để biết liệu mình có thể được giảm phí rủi ro.
7. Thanh toán phí bảo hiểm bằng thẻ tín dụng
Hiện nay, trên thị trường có một số ngân hàng cho phép hoàn tiền khi thanh toán phí bảo hiểm bằng thẻ tín dụng. Mức hoàn tiền lên đến 6% phí bảo hiểm có thể giúp bạn tiết kiệm một khoản tiền không nhỏ.
Tham khảo 4 ngân hàng có tỷ lệ hoàn tiền cao sau:
Ví dụ: Bạn dùng thẻ tín dụng VPLady để thanh toán phí bảo hiểm AIA. Mức phí đóng: 12 triệu/năm.
>> Số tiền hoàn tính toán: 12 triệu x 6% = 720 nghìn > 600 nghìn
>>> Số tiền hoàn thực tế: 600 nghìn
Lưu ý: Ngân hàng có thể thay đổi các thông tin này mà không báo trước. Hãy kiểm tra lại thông tin trên website các ngân hàng.
Tạm kết
Tóm tắt các ý chính:
- Bảo hiểm nhân thọ “rẻ” hơn bạn nghĩ (hãy thử lại công cụ tính phí bảo hiểm trong bài viết)
- Có nhiều yếu tố có thể làm tăng/giảm phí (9 hạng mục được đề cập)
- Cũng có không ít cách (7 và có thể nhiều hơn) giúp bạn tiết kiệm được kha khá tiền khi mua bảo hiểm
Bạn cần tư vấn thêm về phí bảo hiểm? Bạn cần hỗ trợ để lựa chọn gói bảo hiểm phù hợp và TIẾT KIỆM nhất?
Hãy liên hệ tới số 0886.17.11.15 (zalo/mess) hoặc điền thông tin vào form bên dưới để đăng ký tư vấn miễn phí.